Chiều 30.12, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết dự án "Bên lề trẻ em" do Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF), thuộc Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) của Liên minh châu Âu tài trợ. Tham dự buổi tổng kết có đại diện HĐND TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Tham dự hội nghị trực tuyến, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện nhà tài trợ Quỹ JIFF, Tổ chức Oxfam Việt Nam, cho biết, dự án "Bên lề trẻ em" được triển khai hơn 1 năm tại TP.HCM nhằm hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội có thêm nhiều cơ hội tiếp cận sớm và toàn diện hơn đối với việc học văn hóa, học nghề và cơ hội việc làm sau khi rời khỏi cơ sở.
Buổi ký kết thỏa thuận hợp tác liên tịch giữa các cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em, trường dạy nghề, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em |
phạm thu ngân |
Bước khởi đầu mới cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Dù các hoạt động diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, nhưng dự án vẫn đạt được nhiều đầu ra cụ thể, nổi bật, như tham vấn, đánh giá điểm mạnh của 514 trẻ ở 24 cơ sở và 1 mô hình trợ giúp trẻ em tại cộng đồng. Từ đó có chương trình can thiệp, hỗ trợ những nhu cầu thực tế của trẻ; tiếp cận và lập hồ sơ cho 550 trẻ tại các cơ sở, trong đó 15 trẻ được đồng hành trong quá trình điều tra, xét xử, 45 trẻ được tư vấn, trợ giúp pháp lý; chủ động khảo sát và có kiến nghị gửi HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 có cơ chế chính sách đặc thù cho các cơ sở trợ giúp trẻ em...
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết hoạt động cuối thuộc dự án "Bên lề trẻ em" được tổ chức trong hội nghị tổng kết này là chính là "Xây dựng mạng lưới và ký kết liên tịch các bên liên quan".
Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đánh giá, dẫu các hoạt động phối hợp của các cơ sở, đơn vị thời gian qua hiệu quả, tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa nắm hết hoặc "chưa gặp nhau" trong việc việc trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận học văn hóa, học nghề, việc làm, dẫn đến quyền tiếp cận của các em bị hạn chế.
Hoạt động ký kết liên tịch này trước mắt diễn ra với 10 cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em (như Mái ấm Nam Q.10, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, Mái ấm Hoa Sen, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn...) và 9 trường dạy nghề, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em (như Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục...). Qua đó, tạo điều kiện cho các em tiếp cận học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý...
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), kỳ vọng sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp cho các em hưởng lợi từ dự án, có được việc làm, vượt qua những biến cố của cuộc sống.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, bày tỏ hy vọng dự án sẽ là bước khởi đầu mới cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Trong đó lưu ý mục tiêu quan trọng nhất là tăng cơ hội để các em tiếp cận sớm, hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Ngoài các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, TP.HCM còn có trên 40 cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em ngoài công lập đã và đang trực tiếp cùng TP.HCM quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ với các độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều nhóm là trẻ khuyết tật; trẻ nhiễm HIV/AIDS; trẻ có vấn đề về sức khỏe, thiếu dinh dưỡng... Theo thống kê của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, tại TP.HCM có hơn 11.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chưa kể nhiều em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Bình luận (0)