TP.HCM: Hóc Môn đặt mục tiêu lên quận trước 2025

Đình Phú
Đình Phú
24/11/2021 06:33 GMT+7

Đang là huyện nông thôn mới, nhưng theo ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn (TP.HCM), mục tiêu phấn đấu phát triển lên quận ngay trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, và đang nỗ lực để đạt mục tiêu trước 2025.

Chiều tối 23.11, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Hóc Môn tổ chức gặp gỡ, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hóc Môn nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi gặp gỡ, H.Hóc Môn kết nối 19 doanh nghiệp ký kết vay vốn ngân hàng để phục hồi kinh tế sau đợt cao điểm dịch bệnh Covid-19

ĐÌNH PHÚ

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết, là huyện ngoại thành ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM (giáp H.Củ Chi, H.Bình Chánh và Q.12), H.Hóc Môn đã đạt 30/30 tiêu chí của đô thị cấp quận.

Theo ông Khuyên, diện tích tự nhiên gần 11.000 ha với hơn 600.000 dân, H.Hóc Môn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Những năm qua, người dân từ nơi khác đến sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện đông, bình quân tăng gần 20.000 người/năm, đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhu cầu về nhà ở, vệ sinh môi trường, giáo dục, an ninh trật tự, an sinh xã hội…

Mục tiêu thu ngân sách của Hóc Môn năm 2021 khoảng 1.200 tỉ đồng, nhưng do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, nên từ đầu năm đến nay mới thu được khoảng gần 600 tỉ đồng, cả năm ước đạt khoảng 850 tỉ đồng. “Nếu không tập trung chăm lo phục hồi và phát triển kinh tế thì khó khăn chung sẽ kéo dài”, ông Khuyên nói.

Ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp H.Hóc Môn phát biểu tại buổi gặp gỡ

ĐÌNH PHÚ

Ông Khuyên cam kết “sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết mức về thủ tục hành chính, sát cánh cùng doanh nghiệp tâm huyết đầu tư và phát triển”.

Cần điều chỉnh hợp lý quy hoạch để tạo động lực phát triển

H.Hóc Môn phấn đấu thu ngân sách đạt trên 2.000 tỉ đồng vào năm 2025. Với mục tiêu này, theo ông Khuyên, còn rất nhiều việc cần phải tập trung làm, thúc đẩy.

Trước hết, cần điều chỉnh hợp lý quy hoạch để tạo động lực phát triển. Hiện nay tại Hóc Môn còn khoảng hơn 5.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích tự nhiên) được quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng (quy hoạch “treo”, không khả thi). Đây là nguồn lực, tài sản rất quý của Hóc Môn, cũng là một trong những tiền đề cho bước đường phát triển trong tương lai. Huyện cũng đã mời gọi đầu tư vào 23 vị trí đất để phát triển dự án lâu dài ở Hóc Môn theo hướng đô thị mới văn minh, hiện đại, sinh thái…

Theo ông Khuyên, khi quy hoạch sớm được điều chỉnh hợp lý, phát huy được nguồn lực đất đai…, thì không gian phát triển của Hóc Môn sẽ tiếp tục mở rộng ra.

Quốc lộ 22 nối TP.HCM và Tây Ninh đi qua địa bàn H.Hóc Môn

NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (H.Hóc Môn ghi nhận có đến hơn 24.000 ca nhiễm) đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với tập trung phòng chống dịch bệnh, chăm lo an sinh, huyện đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Về lĩnh vực đô thị, bà Mỵ Châu cho biết, H.Hóc Môn đề xuất UBND TP.HCM, Sở QH-KT thống nhất chủ trương cho lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 đối với khu vực 516 ha còn lại của xã Nhị Bình; hướng dẫn và chấp thuận chủ trương lập quy chế quản lý kiến trúc đối với địa bàn huyện.

H.Hóc Môn cũng đang tiếp tục phối hợp tổ công tác của Sở QH-KT rà soát, tổng hợp với 304 vị trí cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ; đề xuất điều chỉnh định hướng quy hoạch H.Hóc Môn làm cơ sở triển khai lập và trình phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 toàn địa bàn để đáp ứng tiêu chuẩn phát triển huyện thành đơn vị hành chính đô thị (cấp quận - PV).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.