TP.HCM: Huyện 'lên đời' thành phố sao cho khả thi?

23/11/2021 06:30 GMT+7

5 huyện ngoại thành TP.HCM sẽ “lên đời” trong thời gian tới. Theo đó, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi định hướng phát triển thành thành phố giai đoạn 2021 - 2030; Nhà Bè và Hóc Môn định hướng phát triển thành quận giai đoạn 2021 - 2025.

Vì sao phải “phố hóa”?

Vào tháng 3.2021, báo cáo với UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nội vụ TP.HCM đánh giá 5 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện để chuyển lên quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM, chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.

Dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè là hàng chục chung cư cao tầng

NGỌC DƯƠNG

Theo Sở Nội vụ, yêu cầu được đặt ra khi thành lập quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM phải bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI thông qua; đảm bảo trình tự và thủ tục đúng quy định.

Ngày 21.11, UBND H.Bình Chánh phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội thảo tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng đến năm 2040. Đây là một trong những bước khởi động của huyện ngoại thành này để thực hiện mục tiêu trở thành “thành phố trong thành phố” vào năm 2025.

H.Bình Chánh hiện đang có tốc độ đô thị hóa cao

NGỌC DƯƠNG

Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam phân tích điểm thuận lợi của H.Bình Chánh là nằm ở vị trí cửa ngõ, diện tích rộng thứ 3 toàn thành phố (sau Cần Giờ và Củ Chi). Thứ hai là tốc độ đô thị hóa không đều, trong khi xã Bình Hưng có tốc độ đô thị hóa rất cao thì xã Bình Lợi lại là xã thuần nông. “Điều này cũng phù hợp với tiêu chí của thành phố là vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính là phường”, ông Nam nói. Lý do thứ ba là theo định hướng phát triển thành phố vệ tinh của TP.HCM, Bình Chánh là điểm kết nối giữa trung tâm TP.HCM với các tỉnh miền Tây nhưng vẫn có tính độc lập ở mức độ nhất định so với quận nội thành.

Về lộ trình triển khai, trong tháng 12.2021, H.Bình Chánh sẽ rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỉ đồng. Để huy động nguồn lực “khổng lồ” trên, ông Nam cho rằng điều quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết định hướng của TP.HCM là đến năm 2030, Cần Giờ sẽ phát triển thành thành phố nghỉ dưỡng sinh thái du lịch. Huyện đang phối hợp với các sở ngành xây dựng đề án, tiếp thu góp ý của các nhà khoa học để hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư.

Lãnh đạo UBND H.Củ Chi cũng cho biết định hướng của huyện là phát triển thành thành phố ở khu vực Tây Bắc trong giai đoạn 2025 - 2030.

Là huyện ngoại thành ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM, Hóc Môn đã đạt 30/30 tiêu chí của đô thị cấp quận. Theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên, hiện Hóc Môn còn hơn 5.000 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 48% diện tích) được quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa sử dụng. Đây là nguồn lực, tài sản rất quý của H.Hóc Môn, cũng là một trong những tiền đề cho bước đường phát triển của Hóc Môn thành quận trong tương lai, để đến năm 2025 thu ngân sách có thể đạt trên 2.000 tỉ đồng.

Giải bài toán quy hoạch “treo” ra sao?

Nhận thông tin Bình Chánh định hướng lên thành phố, ông Huỳnh Văn Tiền (ngụ đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) nửa mừng nửa lo khi số phận của gia đình ông 25 năm qua gắn với dự án khu đô thị Sing Việt còn dang dở. Từ năm 1996, khoảng 570 hộ dân được thông báo nhà đất nằm trong dự án rộng hơn 330 ha nên hạn chế xây dựng. Dự án khu đô thị Sing Việt là 1 trong 8 vụ khiếu nại đông người, kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP.HCM chưa được giải quyết dứt điểm. “Dù lên quận hay lên thành phố thì trước hết phải giải quyết quyền lợi thỏa đáng, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân”, ông Tiền mong mỏi.

Tại H.Củ Chi, trong nhiều buổi tiếp xúc của các đại biểu Quốc hội, số phận dự án Sài Gòn Safari (trên địa bàn xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng) bị “treo” hơn 17 năm qua được cử tri đặt ra và đề nghị giải quyết dứt điểm để trả lại quyền lợi chính đáng về nhà đất cho người dân…

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, nhìn nhận đồ án quy hoạch chung của huyện từ năm 2012 đến nay không còn phù hợp, nhiều quy hoạch chồng chéo khiến người dân bị ảnh hưởng. So với các quận khác, số lượng dự án của H.Bình Chánh còn nhiều hơn nhưng đa số là dự án “treo”, điển hình là dọc đường Nguyễn Văn Linh có hàng loạt dự án dựng bảng tên nhưng không thực hiện. “Nhiều dự án kéo dài làm khổ người dân, nhà thì không xây được, sửa không xong, thấm dột, ô nhiễm, nhiều cảnh đời rất khổ”, ông Nam nói, đồng thời cho biết H.Bình Chánh sẽ rà soát tất cả dự án còn chậm triển khai, các vụ việc sai phạm để xử lý dứt điểm.

Đối với dự án Sài Gòn Safari, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình thừa nhận quá trình triển khai còn chậm, một số kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng chưa được thực hiện, TP.HCM sẽ cố gắng hoàn tất trong năm 2021.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng nếu không giải quyết được bài toán quy hoạch thì các huyện khó mà lên quận hoặc thành phố. Từng làm Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, ông Quân cho biết thời điểm năm 2020 khi xác định lộ trình đưa huyện lên quận, thì cần 2 nhiệm kỳ (khoảng 10 năm) vì cơ sở hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều vấn đề phải làm. Do đó, việc xác định lộ trình và nguồn lực đầu tư cần cân nhắc kỹ để tránh tình trạng chính quyền chưa làm được nhiều nhưng giá đất trong dân tăng, ảnh hưởng đến việc bồi thường khi thực hiện công trình phúc lợi, dự án thương mại.

Cân nhắc kỹ khi lên thành phố

Ở góc độ quy hoạch đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay chuyện một khu vực trở thành thành phố không đồng nghĩa với chuyện từ một huyện nâng cấp lên thành phố, vì còn phụ thuộc vào cơ sở pháp lý về định hướng phát triển đô thị. “Thành phố phải tự lực, tự cường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ phục vụ cho tất cả người dân. Nếu mang tiếng là thành phố mà bệnh viện không đủ, người dân phải sang quận kế bên để khám chữa bệnh thì không được”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhìn nhận việc định hướng các huyện lên quận, hay thành phố cần nằm trong tổng thể phát triển chung của TP.HCM. Dù chuyển lên thành phố hay lên quận cũng đều cần phải phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của người dân.

TP.HCM sẽ không còn đất trồng lúa

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết định hướng quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM đến năm 2030 thì đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 39%. Sở đã tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép TP.HCM không còn đất trồng lúa nước nữa, khi đó trên 15.000 ha đất trồng lúa nước sẽ được sử dụng đất với loại hình nông nghiệp đô thị. Điều này phù hợp với đặc thù của TP.HCM, bởi huyện trong thành phố khác với huyện thuần nông của các tỉnh còn chức năng nông nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.