TP.HCM hướng đến kinh tế số hàng chục tỉ USD

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/03/2022 06:59 GMT+7

TP.HCM đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% tổng sản phẩm trên địa bàn vào năm 2025, chiếm 40% vào năm 2030, đạt trị giá hàng chục tỉ USD.

Đó là nội dung buổi tọa đàm “Kinh tế số - triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM” do Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) và Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM tổ chức hôm qua (25.3).

Chiếm 15% GRDP năm 2022

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đánh giá TP.HCM là địa phương còn rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số. Cụ thể, TP có số người sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao nhất nước, thuê bao di động 3G, 4G đạt hơn 9 triệu, phủ gần 100% phường xã; thuê bao cáp quang, internet băng thông rộng gần 2 triệu… Sau 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, xu hướng số hóa trong làm việc, học tập từ xa ngày càng phổ biến. Các ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống người dân trên nhiều lĩnh vực được phát triển nhanh chóng.

Shipper mua hàng cho khách đặt qua mạng. Năm 2021, kinh tế số chiếm gần 15% tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM

Khả Hòa

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế TP sau đại dịch và tiến đến phát triển mạnh mẽ trong tương lai là đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là một trong những động lực tăng trưởng mới. Tính toán của các chuyên gia HIDS cho thấy quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) kinh tế số TP.HCM 2021 ước đạt gần 192.000 tỉ đồng (khoảng 8,3 tỉ USD), tương đương 14,41%. Tỷ lệ này ước đạt 15% trong năm nay, lên 25% trong năm 2025 và 40% năm 2030. Phó viện trưởng HIDS, ông Phạm Bình An cho rằng kinh tế số được nhóm nghiên cứu khảo sát được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet.

2021 là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 bùng phát nên kinh tế TP đã giảm 6,78% so với năm trước. Khá nhiều ngành kinh doanh truyền thống giảm mạnh như thương mại dịch vụ giảm 5,5%, lưu trú - ăn uống giảm 54,93%, kinh doanh bất động sản giảm 17,32%. Tuy nhiên, nhờ các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến, dịch vụ internet, viễn thông được tận dụng ở mức cao nên ngành TT-TT năm qua tăng 6,08%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cũng có mức tăng 3,8%.

Riêng năm nay, TP đưa kế hoạch kinh tế số đóng góp 15% GRDP. Để đạt mục tiêu này, HIDS cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển TP thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech hub); đề xuất các chính sách thử nghiệm (sandbox) về chuyển đổi số; và hoàn thiện trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số - DXCenter.

Bán hàng trăm con vịt quay mỗi ngày qua online

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA), ông Nguyễn Minh Tuệ chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là thuyết phục DN chuyển đổi số, có sự bất nhất trong quan điểm của chính DN, giữa ông chủ và người lao động. Khó khăn thứ hai là các mô hình thành công quá ít để chứng minh tính hiệu quả của kinh tế số. Khó khăn thứ ba, TP.HCM đến nay mới có chương trình chuyển đổi số nhưng nguồn lực hỗ trợ lại khá mơ hồ. Chính HUBA đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trình lên UBND TP.HCM, Sở TT-TT từ lâu nhưng đến nay chưa thấy hồi âm. Ngoài ra, việc kết nối giữa DN và chuyên gia chuyển đổi số rất khó khăn. Giới thiệu xong xuôi nhưng khi làm việc lại thất bại, từ đó mới thấy giải pháp là quan trọng chứ không phải kỹ thuật viết phần mềm. Thứ tư, chương trình chuyển đổi số tại TP.HCM nên được xã hội hóa, có giải pháp tối ưu và thực tế mới thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả.

Đồng quan điểm, đại diện Hội Tin học TP.HCM cho biết do bất đồng quan điểm trong chuyển đổi số mà có DN chấp nhận mất 20 - 30% quân số để thay đổi. Ai không đồng ý thì có thể nghỉ việc bởi đây là “cuộc chơi” phải được thống nhất từ trên xuống dưới. Nếu không đồng lòng, đồng sức, minh bạch thông tin, kiên trì và sáng tạo thì không thể thay đổi được.

Tuy nhiên, một cách đơn giản nhất, ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nói ngắn gọn: Mọi chính sách phải có tác động vừa kéo vừa đẩy để DN phát triển. DN rất chậm trong chuyển đổi số. Năm 2021, trước khó khăn phòng chống dịch Covid-19, chính VECOM đã tổ chức hỗ trợ xây dựng thành công sàn thương mại điện tử tại Q.5, Q.6 (TP.HCM), Vũng Tàu, Bến Tre... Cụ thể, hơn 2.000 tiểu thương tại chợ Lớn (TP.HCM) đưa hàng lên chợ online qua hình thức chợ mua bán hằng ngày hay chợ phiên hằng tuần… Mỗi ngày, một người qua chợ này có thể bán vài trăm con vịt quay. Chính tiểu thương nhìn thấy hiệu quả của việc kinh doanh qua sàn thương mại điện tử này, họ sẽ chủ động hoàn thiện dịch vụ tốt hơn để mở rộng đơn hàng… Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được điều đó. “Ngay tiểu thương chúng ta vẫn có thể áp dụng phương pháp kéo và đẩy để hỗ trợ họ tham gia kinh tế số tốt nhất. Không có gì là khó khăn cả, khó nhất là phải thay đổi tư duy”, ông Đức nhấn mạnh.

Cần hỗ trợ từ nhà nước

Góp ý tại tọa đàm, PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM, và một số chuyên gia băn khoăn tại sao chỉ 2 nhóm ngành hàng đó có liên quan hoạt động kinh tế số? Vậy các ngành hàng khác thế nào? Nếu nói đến kinh tế số mà dựa vào số liệu của 2 năm đại dịch, rất khác so với giai đoạn bình thường hiện nay và giai đoạn trước dịch bùng phát, sẽ thiếu chính xác. Lý do, 2 năm đại dịch có những hoạt động mua bán, kinh doanh mang tính dị biệt, việc chuyển sang mua sắm online nhiều hơn. Thế nhưng sau dịch, khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới, hành vi tiêu dùng mua sắm sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, giá cả hiện nay cũng cao hơn năm ngoái nhiều, từ 20 - 30%, nếu căn cứ vào giá trị thu về để tính % đóng góp cũng sẽ thiếu chính xác.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề nghị làm rõ chính sách của TP trong phát triển kinh tế số thời gian tới thế nào, không thể bao phủ toàn bộ kiểu “nhà nhà làm kinh tế số”. Cần xác định và ưu tiên lĩnh vực nào có tác động sâu rộng đến kinh tế, phải được ưu tiên thực hiện. TS Thùy Ngân nhấn mạnh: Quan trọng nhất phải thay đổi tư duy nhận thức từ nhà lãnh đạo, nhà quản lý. Lực lượng này phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ quan mình linh hoạt. Thứ hai, tư duy chuyển đổi số trong sinh viên rất cần thiết. Họ năng động và là lực lượng lao động tham gia giúp việc chuyển đổi kinh tế số tại DN nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Phải bắt đầu từ giảng viên, lực lượng hằng ngày, hằng tuần tiếp xúc trò chuyện, trao đổi với sinh viên. TP cần hỗ trợ các trường, viện nghiên cứu và chia sẻ kiến thức, ưu tiên cho mảng này.

Tiếp thu các góp ý của chuyên gia, DN, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng HIDS, cho rằng những chính sách được đặt ra dựa trên thực tiễn của TP, không phải trên bàn giấy. Thực tế, kinh tế số đã và đang len lỏi trên nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực, không chỉ trong ngành chế biến chế tạo hay công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dữ liệu chưa đủ để bóc tách hết. Thực tế, kinh tế số chiếm phần lớn nhất là mảng bán buôn, bán lẻ… Ngoài việc tăng trưởng, kinh tế số giúp minh bạch hóa, chống tham nhũng. Thế nên, những gì thuận tiện, người dân có thể làm được, phải phát huy triệt để. Mọi hỗ trợ cho DN gồm hỗ trợ chuyển đổi số và cả hỗ trợ DN số.

Nhà nước có thể đầu tư hạ tầng số tại các trung tâm kinh tế số, chuyển đổi số… nằm trong trường ĐH. Đó là cơ sở dữ liệu để trường và DN cùng hỗ trợ chuyển đổi. Không thể “đùng một cái” để DN thay đổi ngay được. Muốn có nền kinh tế số hoàn hảo, nhà nước phải đầu tư các trung tâm này và hệ thống dữ liệu hoàn thiện. Phải có tính toán, trung tâm dữ liệu rồi từ đó quy tụ chuyên gia kinh tế số tham gia.

Ông Trương Huy Minh Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.