TP.HCM kiến nghị giám sát về đầu tư công, giải phóng mặt bằng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/09/2022 11:47 GMT+7

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng kiến nghị giám sát về đầu tư công và giải phóng mặt bằng trong các tháng còn lại năm 2022 và năm 2023.

Sáng 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua địa bàn H.Nhà Bè, TP.HCM

ngọc dương

Tham luận tại hội nghị, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đánh giá trong năm 2022, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Dẫn chứng chuyên đề giám sát về việc sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021, ông Dũng cho biết việc giám sát có ý nghĩa rất to lớn và kịp thời đối với TP.HCM trong giai đoạn thực hiện việc thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM và tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo ông Dũng, việc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, để có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Tham luận gửi tới hội nghị của Thường trực HĐND TP.HCM cũng nhìn nhận, một vài nội dung giám sát còn tình trạng dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; hoạt động giám sát, khảo sát có thời điểm còn tập trung tại một số địa phương; có trường hợp cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND TP.HCM cũng cho rằng, cơ chế giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn hạn chế, việc thực hiện kiến nghị nhưng chưa thực sự hiệu quả, trong một số trường hợp chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của chủ thể chịu sự giám sát.

Ngoài ra, thành phần đoàn giám sát còn hình thức, nặng tính cơ cấu, thiếu thành phần có chuyên môn sâu, một số thành viên chưa tham dự đầy đủ hoạt động của đoàn.

Về chương trình giám sát cuối năm 2022 và 2023, ông Dũng kiến nghị việc xây dựng chương trình giám sát bám sát tình hình thực tiễn, tập trung vào những vấn đề như: hoạt động của bộ máy nhà nước; việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách; hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trong đó, cần phải bảo đảm cân đối giữa các hoạt động giám sát (xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật,…).

Ông Dũng cũng nêu kiến nghị, trong báo cáo kết quả giám sát phải nghị quyết về giám sát cần có các tiêu chí định lượng rõ ràng, mốc thời gian, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, ông Dũng nêu kiến nghị tăng cường sử dụng thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong xây dựng báo cáo và nghị quyết giám sát.

“Cần có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư công, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Dũng nói, đồng thời đề nghị quá trình giám sát cần tập trung vào các dự án trọng điểm, những vấn đề cốt lõi đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chương trình, nghị quyết của Quốc hội.

TP.HCM thuộc nhóm giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước

Trước đó, hôm qua 26.9, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, thông tin từ Bộ KH-ĐT cho hay, TP.HCM cùng Hà Nội là 1 trong 14 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước.

Giải thích nguyên nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lý giải giải phóng mặt bằng là vấn đề khó, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân.

Ngoài ra, còn 2 nguyên nhân khác là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy… khiến nhà thầu thi công cầm chừng; và thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.