Cần “đội đặc nhiệm” để thúc đẩy phục hồi kinh tế
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: Tình hình dịch Covid-19 về cơ bản hiện đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp nên cần phải nỗ lực nhiều hơn để kết quả được bền vững. UBND TP.HCM đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế cùng phối hợp với các cơ quan, nhà khoa học xây dựng kịch bản phát triển từ nay đến 2025 nhằm đánh giá và nhận diện xu hướng, diễn biến dịch và tác động đối với kinh tế thế giới, VN và TP.HCM để có chương trình hành động sát hơn.
Các chuyên gia kiến nghị giải pháp để phục hồi kinh tế TP.HCM |
MAI PHƯƠNG |
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, TP.HCM có thể mạnh dạn đi tới để phát triển kinh tế khi có gần 100% người dân đã được tiêm ngừa vắc xin, trong đó 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2. Tuy nhiên do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn khả năng gia tăng. Bên cạnh kêu gọi người dân thực hiện 5K, tuân thủ các quy định phòng chống dịch thì TP cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế; Chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát; Không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vắc xin 2 mũi. Đồng thời cho phép doanh nghiệp (DN) tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch và sử dụng biện pháp kiểm soát kinh tế để yêu cầu tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
TP.HCM sẽ khôi phục hoàn toàn ngành du lịch vào đầu năm 2022 |
TP phải khẩn cấp phục hồi kinh tế và tạm thời chia làm 2 giai đoạn là phục hồi và tái thiết - phát triển TP với cột mốc hướng tới là quý 2/2022. Giai đoạn phục hồi kinh tế chú trọng về tốc độ mạnh mẽ, cụ thể, chính xác.
Còn theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM, TP phải khẩn cấp phục hồi kinh tế và tạm thời chia làm 2 giai đoạn là phục hồi và tái thiết - phát triển TP với cột mốc hướng tới là quý 2/2022. Giai đoạn phục hồi kinh tế chú trọng về tốc độ mạnh mẽ, cụ thể, chính xác. Trong đó, quan trọng nhất để chương trình phục hồi hiệu quả là lập ra đội đặc nhiệm như của Singapore, gồm lãnh đạo TP và sở ngành, lãnh đạo quận huyện để đồng thời giải quyết nhanh nhất những vướng mắc và nhu cầu của DN. Ví dụ muốn xây dựng nhà ở xã hội thì giao quyền luôn cho địa phương đó như thí điểm tại Q.7, H.Củ Chi đã thí điểm mở lại hoạt động vừa qua. Ông nhấn mạnh: Cần điều chỉnh bộ máy “Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19” hiện nay thành “Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM” để quản lý, bám sát các vấn đề cần phải tháo gỡ, thúc đẩy hoạt động kinh tế nhanh chóng phục hồi. Trong thời gian tới cần bổ sung cho bộ phận thường trực này các thành viên có chuyên môn về kinh tế, chính sách công và an sinh xã hội để thúc đẩy, theo dõi kế hoạch các địa phương và ngành nghề đang thực hiện.
Đẩy mạnh đầu tư công
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nhận định kinh tế TP bị gãy đổ không phải do thị trường mà do chống Covid-19 gây ra. Vì vậy nhiều hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau khi nhà nước cho phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên thì với sức khỏe của DN hiện nay rất khó khăn nên nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ”. Trong cơ cấu kinh tế của TP, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 62% và công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 25%.
Vì vậy TP cần lựa chọn khu vực để hỗ trợ có tác dụng lan tỏa cao nhất. Đó là dùng đầu tư công, kích tổng cầu. Chẳng hạn, tất cả chương trình dự án đầu tư công giai đoạn 2020 - 2030 đều cần thực hiện nhanh như hạ tầng giao thông, nhà ở cho người dân, chống ngập... TS Trần Du Lịch phân tích: Việc xác định các đối tượng cần hỗ trợ dựa trên 3 tiêu chí là đóng góp nhiều vào cơ cấu kinh tế của TP, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự phục hồi.
“Nghiên cứu đã cho thấy cứ nhà nước đầu tư 1 đồng thì xã hội sẽ đầu tư từ 8 - 10 đồng. Cụ thể nếu TP bỏ vốn đầu tư 50.000 tỉ đồng thì kéo theo vốn xã hội đầu tư khoảng 400.000 tỉ đồng. Quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả hành chính công và quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm chứ không phải xin - cho. Đây là giải pháp ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất. Trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ linh hoạt, hiệu quả nhất để 2 tháng cuối năm “gỡ gạc” lại được cao nhất. Thứ hai, TP phải chủ động quan hệ với địa phương để khai thông ách tắc về vận tải. Thứ ba là hỗ trợ, phối hợp với các DN đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu của DN. Ngoài ra, hỗ trợ tài chính tín dụng cho DN như bù lãi suất, kết nối với DN và ngân hàng, cải thiện môi trường đầu tư...”, TS Trần Du Lịch chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, cho rằng để phục hồi trong năm 2022, VN cần phải thực hiện song song chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong đó, về chính sách tiền tệ, tiếp tục ở trạng thái hỗ trợ kinh tế, đảm bảo thanh khoản dồi dào. Chính sách tài khóa là kích cầu tăng trưởng, chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và khởi động một chương trình đầu tư công trung hạn (2022 - 2025). Ngoài ra, cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Bởi ngay cả khi sản xuất phục hồi, nhưng đầu tư tư nhân thì thường sẽ không phục hồi nhanh. Do vậy, các dự án đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân ngay sau khi nới lỏng giãn cách. Không chỉ thay thế cho đầu tư tư nhân trong vai trò là động lực tăng trưởng, các công trình tái khởi động sẽ giúp ngành xây dựng phục hồi trở lại.
Riêng TP.HCM đã đạt được các tiêu chí hạ tình trạng cấp độ dịch từ cấp 3 xuống cấp 2 thì nên chủ động mở các hoạt động kinh tế để phục hồi trong quý 4/2021. TP.HCM phải đi đầu trong việc mở cửa kinh tế vì đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất thì có thể phục hồi kinh tế sớm nhất so với các tỉnh thành khác. Chính phủ nên cho phép các TP thuộc T.Ư như TP.HCM được chủ động lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền địa phương để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong năm 2022 và đầu tư cơ sở hạ tầng trong trung hạn.
Covid-19 sáng 17.10: Cả nước 860.860 ca nhiễm, 790.504 ca khỏi | Tuần sau tiêm vắc xin cho trẻ em |
Tăng chi ngân sách cho TP.HCM
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng kinh tế TP.HCM giảm rất sâu trong tháng 8 và một số ngành hàng đã có mức độ suy giảm chậm lại trong tháng 9. Nhưng tổng thể, quy mô nền kinh tế của TP đang vận hành ở tháng 9 vẫn chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt cá nhân, hộ gia đình gặp nhiều khó khăn rất lớn nhưng chưa có nhiều số liệu thống kê.
Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy, chính sách của ngân hàng T.Ư các nước trong bối cảnh này thường hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở VN thì dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Đối với chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP.HCM giai đoạn Covid-19 lần 4 đã chỉ ra rằng ngay cả khi VN hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn.
Vì vậy, ông Khánh đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế VN. Ông Khánh cũng khuyến nghị TP.HCM sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách và Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM...
Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết thu ngân sách để lại cho TP.HCM
Bên lề hội thảo, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - đơn vị chủ trì xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM, chia sẻ trong 2 năm 2020 và 2021, kinh tế của TP bị giảm nặng nề. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) trong 2 năm qua do ảnh hưởng của Covid-19 sụt giảm gần 273.000 tỉ đồng so với kế hoạch, tương đương gần 12 tỉ USD. Trong đó riêng năm 2021 kế hoạch đưa ra là tăng trưởng GRDP 6% nhưng thực tế ước tính bị âm 5%. Đồng thời thu ngân sách 2 năm liên tiếp bị giảm khoảng 60.000 tỉ đồng.
Để khôi phục trở lại thì không những cần nỗ lực của TP mà cần sự hỗ trợ, chung sức của T.Ư, nhất là nguồn lực tài chính từ ngân sách quốc gia. Ông kiến nghị T.Ư xem xét tăng tỷ lệ điều tiết thu ngân sách để lại cho TP.HCM từ 18% hiện nay lên 23% hoặc cao hơn. Ví dụ số thu ngân sách trên địa bàn TP nếu để lại thêm 1% thì tương đương có khoảng 2.000 tỉ đồng. Nếu TP.HCM sử dụng 2.000 tỉ đồng đó đầu tư công thì thu hút thêm 20.000 tỉ đồng đầu tư xã hội và từ đó làm sẽ tạo ra được giá trị khoảng 60.000 tỉ đồng. Từ đó, nguồn thu ngân sách có hơn 18.000 tỉ đồng và trong số này lại nộp về ngân sách T.Ư là 14.000 tỉ đồng...
Bình luận (0)