Chiều 8.6, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ĐH Dublin (Ireland) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại TP.HCM (HealthyAIR 2022)”.
Báo cáo về dự án Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí HealthyAIR, TS. Ricardo Simon Carbajo - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và phát triển, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ĐH Dublin, cho biết ứng dụng này có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như PM2.5, CO, O3, NO2, SO2…
Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc không khí tự động tại 6 quận, HealthyAIR đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như: hen suyễn, viêm xoang, hô hấp…
Dự án cũng sẽ phát triển các mô hình để dự đoán mức độ ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan cho biết mỗi năm có hơn 1.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí |
sỹ đông |
Dẫn lại một báo cáo hồi năm 2016, PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM cho biết TP.HCM được coi là “thành phố hen suyễn”, nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí.
TS Tuyết Lan thông tin ô nhiễm không khí tác động nặng nề đến sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em, trong đó hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể.
Tại TP.HCM, mỗi năm có hơn 1.000 người tử vong do ô nhiễm không khí. Các nguyên nhân gây tử vong liên quan ô nhiễm không khí như: nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi.
Xin tài trợ làm thêm 10 trạm quan trắc tự động
Là đồng giám đốc dự án HealthyAIR, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP. HCM) nhận định, xe máy chiếm ưu thế trong các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, ông Bằng đề xuất TP.HCM nên kiểm soát ngay khí thải xe máy bằng cách loại bỏ những xe gắn máy cũ nát; phải thực hiện ngay việc kiểm tra khí thải xe gắn máy, nếu không đạt chuẩn khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân duy tu, bảo dưỡng. Về chiến lược, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2030 theo yêu cầu của Bộ TN-MT.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng báo cáo kết quả quan trắc chất lượng không khí tại TP.HCM |
sỹ đông |
Ông Bằng cho biết, trong năm 2021-2022, chất lượng không khí tại TP.HCM được cải thiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế xã hội giảm. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, giao thông gia tăng thì vấn đề ô nhiễm không khí có khả năng tăng lại như trước.
Chuyên gia này cũng cho biết, để đo lường chất lượng không khí toàn thành phố theo chuẩn của Mỹ và châu Âu thì TP.HCM cần ít nhất 16 trạm. Hiện đơn vị này đã xây dựng bản đồ các vị trí cần lắp đặt; đồng thời làm hồ sơ xin tài trợ kinh phí đầu tư 10 trạm còn lại ở vùng ngoại ô như: Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn…
PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước với nhịp sống năng động, TP.HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường khác nhau do quá trình đô thị hóa, đặc biệt là ô nhiễm không khí đô thị và biến đổi khí hậu.
Hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (PM2.5) tại Hà Nội, TP.HCM hiện đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí nói chung và phơi nhiễm các vật chất siêu nhỏ nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe bệnh tật như bệnh về đường hô hấp, các nguy cơ dẫn đến tử vong sớm.
Bình luận (0)