TP.HCM tìm cách tăng tốc xuất khẩu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
19/01/2022 06:47 GMT+7

Xuất khẩu của cả nước tăng 19%, TP.HCM trong năm thứ 2 đại dịch chỉ nhích được 1%. Thế nhưng, đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực của TP trong năm qua đều giảm mạnh.

Làm thế nào để phục hồi, tăng tốc xuất khẩu tại TP đầu tàu kinh tế của cả nước? Đó là nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19”, do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức hôm qua 18.1.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của TP.HCM đều có kim ngạch giảm

N.Nga

Xuất khẩu các thị trường “xa bờ” giảm mạnh

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, nêu thực trạng trước đây khi chưa xảy ra tình trạng khan hiếm container, để xuất hàng đi Mỹ, chi phí thuê container, vận chuyển dưới 2.000 USD/container, nay đã có thời điểm DN phải trả 10.000 - 15.000 USD/container. Thời gian vận chuyển cũng kéo dài, như hàng đi Mỹ, trước đây đặt chỗ tàu 2 ngày sau đã có container và hàng chậm nhất 3 - 4 tuần đến nơi. Nay tìm container rỗng đã khó, thêm ảnh hưởng dịch Covid-19, một lô hàng xuất đi Mỹ đến 3 tháng sau mới tới nơi. Đó cũng là một trong những lý do khiến xuất khẩu các thị trường xa và chất lượng cao đang có xu hướng giảm, thay vào đó là thị trường gần, giá trị thấp tăng.

Theo Sở Công thương TP.HCM, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của DN TP năm 2021 chỉ đạt 44,9 tỉ USD, nhích 1% so với năm 2020. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu chủ lực của TP đều có kim ngạch giảm. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc giảm 8,7%, Mỹ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7%, EU giảm 0,8%... Đặc biệt, trong tốp 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước là TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, theo Sở Công thương và Cục Hải quan TP.HCM, hiện xuất khẩu của TP.HCM đang giảm dần theo thời gian. Năm 2010, TP dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch 22,47 tỉ USD, tại thời điểm đó kim ngạch xuất khẩu của tỉnh của Bắc Ninh chỉ đạt 2,45 tỉ USD. Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Bắc Ninh đuổi kịp TP.HCM với 44,8 tỉ USD, TP.HCM đạt 44,9 tỉ USD. Đại diện Sở Công thương nhấn mạnh: “Sau 10 năm, xuất khẩu của Bắc Ninh cơ bản đã đuổi kịp TP.HCM, chứng tỏ ngành thương mại của địa phương này có sự tăng tốc rất cao. Các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai cũng có sự gia tăng tốt với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và thu hút đầu tư mở rộng khu công nghiệp. Trong khi đó, TP.HCM trong 10 năm trở lại đây không hề có mở rộng khu công nghiệp vì quỹ đất đã hết. Bên cạnh đó, thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao cũng chưa xứng tầm…”.

Giải bài toán logistics và vốn

Để phục hồi kinh tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bắt buộc phải khôi phục hay nói đúng hơn là tăng mở rộng các thị trường lớn, có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, thứ nhất, Hiệp hội Logistics kiến nghị sớm có quy định thống nhất, điều chỉnh linh hoạt trong thu hút lượng hàng quá cảnh, trung chuyển. Mức thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển tại TP.HCM dự kiến áp dụng cho hàng quá cảnh, trung chuyển, hàng qua kho ngoại quan hiện khá cao, từ 2,2 - 4,4 triệu đồng/cont (tùy loại 20 feet hay 40 feet). Điều này khiến các hãng tàu dịch chuyển lượng hàng qua các cảng lân cận trong khu vực để trả phí thấp hơn. Thứ hai, cần hệ thống hóa các văn bản pháp lý từ đường bộ, đường thủy, giao nhận vận tải, quy ước quốc tế… tránh nhiều rào cản, chồng chéo, loại bỏ dần việc vi phạm cam kết hội nhập hay cản trở sự gia nhập các DN nhỏ và vừa trong ngành logistics. Thứ ba, các cảng thuộc sự quản lý của Hải quan TP.HCM cần được xem là một thể thống nhất, có thể luân chuyển linh hoạt thay vì phải áp dụng các thủ tục khi chuyển đổi chi cục hải quan cửa khẩu trên manifest (hệ thống tiếp nhận bảng khai báo hàng hóa) như đang áp dụng. Thứ tư, tiếp tục đầu tư cải thiện hệ thống cơ chế một cửa quốc gia cho nhập và xuất khẩu. Tuy số DN tham gia kết nối vào hệ thống 1 cửa quốc gia tăng, song nhiều thủ tục của các bộ ngành đến nay vẫn chưa được kết nối vào hệ thống, gây khó khăn cho DN, tăng thời gian, chi phí, giảm lợi thế cạnh tranh của DN.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại VN, khẳng định: “Mỹ luôn là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của DN TP.HCM. USAID thông qua dự án “Tạo thuận lợi thương mại” và luôn xem TP là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại. Các ý kiến đóng góp của cộng đồng DN và của các cơ quan hữu quan rất quan trọng, từ đó chúng ta có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển kinh doanh; đặc biệt khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới việc kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa”.

“Muốn phục hồi nhanh phải tạo điều kiện để tăng vốn đầu tư. Hỗ trợ nên tập trung vào ngành quan trọng, tạo điều kiện để DN vay, không nên cứng nhắc khoản vay ngắn hạn mà nên cơ cấu cho khoản vay dài hạn mới giúp DN vượt khó khăn được”, bà Lý Kim Chi nói và dẫn chứng, DN chuyên sản xuất hàng nông nghiệp chế biến nhưng cơ cấu vốn vay của họ hiện khác các nước rất nhiều khiến khả năng cạnh tranh thấp. Chẳng hạn, vốn ngắn hạn chiếm đến 60 - 70%, vốn trung và dài hạn chỉ 30 - 40%, trong khi các nước ngược lại, vốn dài hạn là chủ yếu. Bà bổ sung: “Cơ cấu này khiến DN mệt mỏi vô cùng, chưa kịp sử dụng vốn đã đi đáo hạn liên tục”.

Ngoài ra, với ngành nông sản, các DN cho rằng xuất khẩu tiểu ngạch nhiều lắm, trong khi rào cản kỹ thuật Trung Quốc đưa ra rất “tùy ý”. Trong tình thế đó, chỉ có Chính phủ, bộ ngành đứng ra “giải cứu” cho DN bằng những đàm phán cấp cao và thật nhanh. Một phản ánh tại hội thảo là DN không đồng ý quan điểm bộ này bộ kia khuyến cáo các DN đừng đưa hàng lên biên giới nữa. Đại diện các DN chia sẻ, cách tháo gỡ phải đàm phán trong điều kiện thế nào, chứ bảo DN đừng đưa lên sao được. Trong khi công nhân vào vườn hái đã xét nghiệm Covid-19 hết rồi, sầu riêng hái xong cũng được khử trùng hết mới đưa vào nhà máy đóng gói, tiếp tục khử khuẩn… Chở lên biên giới bị tắc, bảo DN đừng chở lên nữa trong khi nhu cầu mua bán đều có, cho thấy nỗ lực của DN và các ngành chức năng trong tăng tốc xuất khẩu phục hồi kinh tế chưa đồng nhất quan điểm…

Ông Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết các đề xuất về giải pháp của DN và các hiệp hội ngành nghề thuộc thẩm quyền của TP sẽ triển khai thực hiện ngay nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Cục Hải quan và các sở, ngành khác để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.