TP.HCM: Trạm y tế 'than' thiếu thuốc nên không giữ được bệnh nhân

Duy Tính
Duy Tính
31/05/2022 18:01 GMT+7

Các trạm y tế tại TP.HCM không phải là bệnh viện thu nhỏ, càng không phải là phòng khám đa khoa mà là cơ sở quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn.

Chiều 31.5, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề nâng cao năng lực y tế cơ sở, có sự tham dự của các trạm y tế và trung tâm y tế. Tại hội nghị, bà Trần Thị Hồng Huyên, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nhân viên trạm y tế nghỉ việc, nhưng khi dịch bệnh ổn thì sở nhận được nhiều hồ sơ xin chuyển công tác từ bệnh viện về trạm y tế, trung tâm y tế. Đặc biệt, H.Củ Chi là địa phương nhận rất nhiều nhân viên y tế chuyển công tác. Lý do, có thể họ không muốn trực đêm; được làm nhiều việc cho cộng đồng.

TP.HCM đã có nhiều chính sách nâng cao năng lực cho các trạm y tế

DUY TÍNH

Theo bà Huyên, hiện TP.HCM có 310 trạm y tế với hơn 2.000 cán bộ nhân viên. Trong đó, có 1.715 viên chức, 242 người hợp đồng được chi trả lương từ ngân sách và 125 người hợp đồng khoán ngoài quỹ lương. Trong số này có 435 bác sĩ (89 bác sĩ luân phiên tăng cường). Ngoài ra, còn có 296 bác sĩ đa khoa gắn với các trạm y tế; 796 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 459 y sĩ. Dự kiến TP.HCM tăng chỉ tiêu biên chế cho các trạm y tế là 657 người.

Thực trạng hiện nay còn 88/310 trạm y tế không có người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, do thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, nghỉ việc và chuyển công tác. Ngoài ra, còn thiếu y sĩ có đủ thời gian hành nghề đứng tên giấy phép hoạt động.

Định hướng chuyển đổi mô hình Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình

Tại hội nghị, một số trạm y tế và trung tâm y tế cũng nêu lên khó khăn hiện nay là thiếu thuốc nên không hấp dẫn người bệnh. Do đó, đề xuất tăng cường thuốc về trạm y tế, cho trạm y tế sử dụng danh mục thuốc của trung tâm y tế.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, trạm y tế nếu muốn sử dụng thuốc vượt tuyến thì phải xây dựng danh mục kỹ thuật phù hợp và được phê duyệt hoặc áp dụng WHO PEN (tập trung vào quản lý bệnh mạn tính không lây theo tiêu chuẩn của WHO) mà Sở Y tế TP.HCM sắp thí điểm.

Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì trạm y tế không phải là bệnh viện thu nhỏ, càng không phải là phòng khám đa khoa mà là quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn. Ngành y tế định hướng chuyển đổi mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình để quản lý tốt hơn sức khỏe người dân, trong đó tập trung áp dụng WHO PEN. TP.HCM sẽ thí điểm áp dụng WHO PEN, khi đó, trạm y tế nào cũng sử dụng nguồn thuốc như nhau và Bảo hiểm y tế sẽ chi trả.

Cũng tại hội nghị này, Sở Y tế TP.HCM chính thức phát động cuộc thi "Trưởng trạm y tế giỏi lần 1" mở rộng ra cho các nhân viên trạm y tế khác tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.