Sáng 11.2, TP.HCM tổ chức trao giải cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19”, do Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cho biết cuộc thi nhằm tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng gương tập thể, cá nhân và điển hình là những nhân vật và mẩu chuyện có thật, cảm xúc thật trong quá trình tham gia công tác phòng chống dịch.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải (thứ 5 từ trái qua) trao giải cho các tác giả đoạt giải ở nhóm tin, ảnh báo chí |
sỹ đông |
Cuộc thi được triển khai rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, kéo dài từ ngày 2.7 đến ngày 31.10.2021. Trong thời gian trên, ban tổ chức nhận được 4.498 bài thi, hội đồng chung khảo đã chọn 26 bài dự thi xuất sắc đoạt giải.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng chỉ đạo nghiên cứu tổ chức trao giải báo chí “Chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố nhằm mở rộng hình thức tổ chức và bổ sung đối tượng tham gia cuộc thi. Sau đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã có thông báo mời gọi các cơ quan báo chí trên địa bàn tham gia cuộc thi viết, kết quả đã nhận được 166 tác phẩm từ 23 cơ quan báo chí và trang tin điện tử.
Hội đồng chung khảo đã trao giải cho 62 tác phẩm xuất sắc ở 5 nhóm giải thưởng: nhóm 1 (tin, ảnh báo chí), nhóm 2 (phóng sự, ký báo chí), nhóm 3 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh), nhóm 4 (công trình tập thể), nhóm 5 (giải thưởng nhân vật). Báo Thanh Niên nhận 9 giải thưởng, gồm 5 giải nhì, 2 giải ba, 1 giải khuyến khích và 1 giải thưởng nhân vật.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê trao giải nhì (nhóm Phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) cho phóng viên Vũ Phượng, Báo Thanh Niên với loạt bài "TP.HCM nghĩa tình, dìu nhau qua dịch" |
sỹ đông |
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh bên cạnh công tác chuyên môn của ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu thì “vắc xin tinh thần” cũng đóng vai trò quan trọng. Các bài viết là những trang nhật ký của thành phố khắc họa tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, việc làm, nghĩa cử cao đẹp… của lực lượng tuyến đầu, của người dân thành phố và lực lượng chi viện để vượt qua khó khăn.
“Ẩn sâu trong mỗi tác phẩm là sự dấn thân, không ngại nguy hiểm của nhiều tác giả, nhà báo xung phong trên tuyến đầu. Sự lan tỏa các tác phẩm trên mạng xã hội đã có ý nghĩa giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình của người dân”, ông Hải nói.
Bình luận (0)