TP.HCM: Vì sao tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em còn thấp

Duy Tính
Duy Tính
09/08/2022 12:58 GMT+7

TP.HCM nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em từ đây đến hết tháng 8 đạt kết quả tốt. Lãnh đạo quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về kết quả tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn.

Ngày 9.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau 1 tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, mặc dù số lượt tiêm có tăng so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước.

Đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

NGỌC DƯƠNG

Ngày 8.8: Cả nước 1.705 ca Covid-19, 9.223 ca khỏi

Quận tiêm nhiều, quận tiêm ít

Cụ thể, sau 1 tuần triển khai đợt cao điểm, hiện nay tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 tại TP đã đạt được 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại TP là 25,5% (cả nước là 38,1%).

Theo đánh giá của Sở Y tế, công tác chuẩn bị tại các quận, huyện được thực hiện có sự phối hợp tốt giữa UBND, Phòng Giáo dục, nhà trường và Trung tâm y tế. Có sự khác biệt lớn về số lượt tiêm giữa các quận, huyện. Trong khi TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Củ Chi có trên 1.000 lượt tiêm/ngày thì quận 3, 4, 5, 10, Tân Bình và Cần Giờ chỉ có dưới 200 lượt tiêm/ngày.

Sở Y tế ghi nhận nỗ lực của TP.Thủ Đức và H.Bình Chánh, đây là 2 địa phương có tổng số lượt tiêm trong trong 7 ngày qua đạt mức cao nhất thành phố (TP.Thủ Đức có 13.305 lượt và H.Bình Chánh có 11.305 lượt).

Có 20/22 quận, huyện đã tổ chức tiêm tại trường học, trong đó có 2 quận chỉ mới bắt đầu tiêm tại trường học từ ngày 8.8 (Q.4 và Q.Tân Bình). Sở Y tế yêu cầu 2 quận, huyện này phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn và tập trung nguồn lực cao hơn cho công tác tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, vì đây là 2 quận có tổng số lượt tiêm trong tuần thấp nhất (Q.Tân Bình chỉ có 531 lượt và Q.4 chỉ có 113 lượt).

“Một trở ngại đáng quan tâm đó là nhiều quận, huyện có tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%), và một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%). Kế đến là một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai trong tuần đầu của tháng cao điểm, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vắc xin Covid-19 ngay tại trường học nơi trẻ đang theo học (đa số các quận, huyện ghép điểm tiêm trẻ em vào các điểm tiêm cộng đồng)”, lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận.

Một số trẻ chưa nhận được thông báo lịch tiêm, điểm tiêm

Một trong những nguyên nhân chính của sự khác biệt về số lượt tiêm giữa các quận, huyện đó là công tác truyền thông và thông tin đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm ngừa cho trẻ em, nhất là hoạt động hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đến điểm tiêm. Khảo sát nhanh 72 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường tại 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức (55 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và 17 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi) về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em thì có đến 30/55 (54,5%) trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19; trong 30 trẻ chưa tiêm vắc xin, có 2 trẻ vẫn chưa nhận được tin nhắn của giáo viên, nhà trường nhắc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT; 10 trẻ vẫn chưa được nhà trường liên hệ hỏi lý do chưa tiêm và vận động đưa trẻ đi tiêm. Ngoài ra, vẫn còn 12/72 (16,7%) trường không gửi tin nhắn thông báo lịch và điểm tiêm tiêm vắc xin cho phụ huynh; 22/72 (30,6%) trường chưa khảo sát lại tiền sử tiêm vắc xin của trẻ.

Đẩy mạnh tiêm trong 3 tuần còn lại của tháng cao điểm

Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT chỉ đạo phòng Giáo dục quận, huyện yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP (có trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học) khẩn trương thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm vắc xin đầy đủ theo quy định; khẩn trương cung cấp danh sách cho Trung tâm y tế để phối hợp tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh ngay tại trường học.

Sở Y tế cũng yêu cầu 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của TP tiếp tục chủ động liên hệ với các quận, huyện, TP.Thủ Đức theo địa bàn phụ trách để hỗ trợ các đội tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục phân công chuyên gia hồi sức cấp cứu nhi trực điện thoại 24/24 hỗ trợ chuyên môn cho các điểm tiêm về công tác cấp cứu, xử trí sự cố sau tiêm vắc xin Covid-19; trong trường hợp khẩn cấp có thể kích hoạt quy trình báo động đỏ để được hỗ trợ xử trí tại chỗ kịp thời. Phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm cấp cứu 115 luôn sẵn sàng bố trí các xe cấp cứu tại các khu vực có điểm tiêm. Điều phối, kiểm tra, giám sát các đội cấp cứu thường trực tại các điểm tiêm lưu động, xử trí kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng ngay tại điểm tiêm. Yêu cầu HCDC tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi.

Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức phải quyết liệt hơn trong công tác triển khai, kiểm tra, giám sát sự phối kết hợp giữa Phòng Giáo dục, Phòng Y tế và Trung tâm y tế trong tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em. Đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn, và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM về kết quả tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.