|
Nhiều khu vực lao đao vì ngập
ĐB Nguyễn Thành Nhân nêu bức xúc của cử tri khu vực đường Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Hồng Lạc cứ mỗi lần mưa thì đều ngập. “Vậy xin ông phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP có ý kiến, cho biết giải pháp giảm ngập cho khu vực này”, ĐB Nhân đặt câu hỏi.
ĐB Lê Minh Đức cũng chất vấn vụ vỡ bờ bao mới đây tại khu vực Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Bờ bao vỡ trong thời điểm triều cường đã gây ngập úng cả khu vực rộng lớn, thiệt hại cho nhiều hộ dân, hộ nông dân, đặc biệt là những hộ trồng cây, nuôi cá, thiệt hại hàng tỉ đồng.
“Vậy cơ quan, đơn vị nào hỗ trợ những thiệt hại do ngập đó cho người dân? Hỗ trợ như thế nào?”, ĐB Đức hỏi.
Tiếp lời ĐB, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nói thêm ngoài vỡ bờ bao, hiện nhiều khu vực còn có nguyên nhân do các công trình thi công gây ngập.
Tương tự, ĐB Nguyễn Văn Lâm đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho cử tri quận Tân Bình biết, hiện các tuyến đường Đồng Đen, Âu Cơ đang bị ngập do thi công chặn dòng, khi nào thì hết ngập? Đến cuối năm 2014 có hết không?
“Nếu tình hình ngập và phát sinh điểm ngập mới như hiện nay thì có thể nói là việc chống ngập của chúng ta không hiệu quả. Ví dụ năm 2013 chỉ xử lý/xóa 9 điểm ngập nhưng lại phát sinh… 21 điểm ngập mới. Như vậy chống ngập không chỉ là thiếu bền vững mà có thể nói là không hiệu quả. Nguyên nhân do đâu? Hiệu quả của cống kiểm soát triều khi đưa vào vận hành như thế nào?”, ĐB Võ Văn Sen chất vấn.
Chống ngập chậm vì điều chỉnh dự án
Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết: Từ năm 1960 - 2007, triều cường chỉ dao động đến mức 1,5 m. Đến năm 2008, đỉnh triều lên chỉ 1,5 - 1,55 m. Đến năm 2011, đỉnh triều “phá kỷ lục”, lên đến 1,59 m.
Nhưng đến nay, trong tháng 12 vừa rồi, đỉnh triều đã lập kỷ lục mới với 1,68 m. Đỉnh triều lên quá cao đã tạo áp lực lớn, gây bể bờ bao.
|
Mặt khác, ông Công khẳng định khoảng 90% bờ bao đã được kiên cố hóa, bê-tông hóa. Tuy nhiên, sau vụ bể bờ bao ở Hiệp Bình Chánh vừa qua, thì qua kiểm tra và phản ánh của người dân, có một hộ dân đào lỗ thông ở dưới chân bờ bao để thoát nước ra ngoài. Đến khi triều cường, nước dâng quá cao, áp lực nước quá lớn thì gây vỡ bờ bao.
|
Theo ông Công, hiện chương trình chống ngập đang triển khai các dự án để đến năm 2014 thì 3.300 hecta khu vực này sẽ không ngập nữa.
Đối với các điểm ngập phát sinh do thi công, đơn vị thi công ngăn dòng, không dẫn dòng hợp lý (như khu vực đường Đồng Đen, Hòa Bình), ông Công cho biết đã phối hợp với các đơn vị thi công, hỗ trợ bơm để thoát nước khi mưa, triều.
Riêng dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nếu đẩy nhanh tiến độ thì đến đầu quý ba năm 2014 có thể hoàn thành, sẽ giải quyết lưu vực ngập cho 1.400 hecta, trong đó có 8 điểm ngập nặng do mưa và triều.
Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP khẳng định để giải quyết ngập cho TP.HCM cần biện pháp đồng bộ là có hệ thống đê bao và cống ngăn triều.
“Nằm trong chương trình chống ngập, nhiều dự án lớn đã được phê duyệt trước đó buộc phải điều chỉnh vì cần tính thêm yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Công nói.
|
Hiện TP đang xin hai dự án cống ngăn triều lớn, với ba cống ngăn triều ở nội thành để giải quyết ngập cho khu vực trung tâm và tiếp tục đầu tư để hoàn thiện năm cống kiểm soát triều ở ngoại vi TP.HCM.
“Tất cả các công trình chống ngập đã tính lại có yếu tố đối phó với biến đổi khí hậu, theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành 2012”, ông Nguyễn Ngọc Công khẳng định.
Với khẳng định trên, bà Quyết Tâm “hy vọng trong 5 - 10 năm nữa thì cử tri, ĐB sẽ không phải nghe cơ quan chức năng nói ngập là do mưa, triều quá giới hạn, quá dự báo, sức chịu đựng của các công trình chống ngập nữa”.
Đồng thời, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhắc nhở: Việc triển khai dự án chống ngập có nhiều hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều dự án chậm, do các nguyên nhân như: các quận chưa giao mặt bằng, chủ đầu tư chậm,… Vì vậy, TP cần quyết liệt, đẩy nhanh hơn nữa trong triển khai quản lý dự án chống ngập. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tuyên truyền, phát huy việc quản lý kênh rạch từ trong nhân dân.
Trong hôm nay 11.12.2013, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã tổ chức các kỳ họp HĐND. Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình: Các đại biểu không được trả lời thỏa đáng Trong sáng nay, hầu hết giám đốc các sở đã đăng đàn trả lời chất vấn. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, mặc dù trả lời khá nhiều với thời gian dài nhưng hầu như không vị giám đốc sở nào làm hài lòng, thỏa mãn các đại biểu chất vấn. Các ĐB HĐND Quảng Bình đã chất vấn về Trạm thu phí Quán Hàu (đóng trên QL1A đoạn qua huyện Quảng Ninh, thu phí hoàn vốn cho công trình đường tránh TP.Đồng Hới, xây dựng theo hình thức BOT) bán vé thu phí giá cao và đặc biệt có nhiều người không hề đi trên đường tránh nhưng phải mua phí. Các ĐB cũng yêu cầu cần xử lý các “đường dây chạy chế độ chính sách” được phát hiện tại địa phương. Một vấn đề khác gây nóng nghị trường đó là việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản; nhất là việc khai thác cát sỏi lòng sông trái phép gây ra nhiều hệ lụy. (Trương Quang Nam) Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị: Đề xuất không xây thêm nhà máy sắn Đầu phiên họp buổi sáng 11.12, ông Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Sở Công thương giải trình về việc vừa qua HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhận được văn bản khẩn cấp của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hải Lăng đề nghị không nên cho xây thêm nhà máy tại huyện Cam Lộ và huyện Vĩnh Linh. Lý do mà phía Nhà máy Hải Lăng đưa ra đề xuất này là việc xây thêm hai nhà máy sẽ làm thiếu nguồn nguyên liệu, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh... Lãnh đạo Sở Công thương Quảng Trị cho biết "thêm 1 nhà máy nữa có công suất 80.000 tấn/năm là phù hợp còn nếu thêm 2 nhà máy thì không cân đối giữa sản lượng và công suất". Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND Quảng Trị, khẳng định UBND tỉnh đã thống nhất và có văn bản rằng ngoài nhà máy tại huyện Cam Lộ, tỉnh không cho xây dựng thêm một nhà máy chế biến tinh bột sắn nào nữa. Nhưng ông Cường cũng cho rằng: “Việc hội đồng đề nghị đưa việc này vào nghị quyết đợt này là không cần thiết”. (Nguyễn Phúc) HĐND tỉnh Quảng Nam: Lại “nóng” chuyện thủy điện xả lũ Tại phiên thảo luận tổ, liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị HĐND tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, điều chỉnh lại quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện cho phù hợp với tình hình thực tế; sớm ban hành quy trình vận hành đập thủy điện vào mùa khô. Các đại biểu cũng có ý kiến cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của các thủy điện trong việc bồi thường cho người dân bị thiệt hại do xả lũ; đối với các dự án thủy điện còn trong giai đoạn điều tra, thiết kế, lập dự án thì tạm dừng không cho khởi công. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, thời gian thông báo trước khi xả lũ chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ là quá ngắn, không phù hợp với vùng hạ du. Nhiều đại biểu tại phiên họp cũng lo lắng về tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các địa phương ven biển sẽ trở thành điểm nóng do việc thả nuôi không theo quy hoạch, phá đê chắn sóng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. (Hoàng Sơn) |
Nguyên Mi
>> Triều cường làm vỡ bờ bao, người dân lao đao trong biển nước
>> Triều cường 'tấn công', học sinh lội nước đến trường
>> Video: TP.HCM khổ vì triều cường
>> Chủ tịch HĐND TP.HCM: Tôi cũng muốn đi làm bằng xe buýt nhưng chưa thật sự tiện
>> Đại biểu HĐND lên tiếng: Đánh dân là sai!
>> TP.HCM: Đại biểu bức xúc về tình trạng ngập nước, cướp giật
>> Thiếu vốn cho chống ngập
>> Vất vả chống ngập
Bình luận (0)