Gia đình cho biết bé đã được điều trị truyền máu, điều trị kháng sinh diệt vi khuẩn trong vòng 4 tuần ở một bệnh viện. Trong thời gian ngưng thuốc chờ tái khám, bé đau bụng đột ngột được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.
Kết quả siêu âm ổ bụng, chụp X-quang phát hiện đoạn cuối dạ dày viêm loét, thủng 1cm, hơi tự do nhiều trong ổ bụng, kèm có dịch dạ dày đã thoát vào ổ bụng dẫn đến biến chứng viêm phúc mạc (lớp màng bên trong thành bụng bao phủ các cơ quan trong bụng).
Ngày 25.9, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Trọng (khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, qua đánh giá cho thấy tình trạng của bệnh nhi rất nghiêm trọng, nếu không can thiệp sớm, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng toàn thân đe dọa tính mạng. Do đó ê kíp khẩn trương thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu hút dịch, rửa sạch ổ bụng, sinh thiết bờ ổ loét, khâu kín lỗ thủng và đắp mạc nối lớn tăng cường, đặt dẫn lưu.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi tập ăn lại bình thường, sức khỏe hồi phục tốt. Bệnh nhi đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Bệnh nhi tiếp tục điều trị kháng tiết axit dạ dày phòng ngừa tái phát viêm loét dạ dày tá tràng, test lại vi khuẩn HP theo chỉ định.
Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Trọng cho biết, phúc mạc là lớp màng bụng bao phủ các cơ quan trong bụng. Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm, có thể do nhiều nguyên nhân được chia thành các nhóm khác nhau, trong đó nhóm viêm phúc mạc hóa học (rò rỉ dịch axit dạ dày, máu, mật vào phúc mạc) khá phổ biến. Nếu trong thời gian điều trị khuẩn HP, tình trạng viêm loét chưa kiểm soát tốt, tăng tiết dạ dày sẽ khiến ổ viêm loét tái phát nặng hơn dẫn đến thủng, axit và dịch tiết dạ dày tràn vào ổ bụng gây viêm, nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng phúc mạc.
Trước đây, viêm phúc mạc có tỷ lệ tử vong cao từ 60-70% nếu không được can thiệp kịp thời. Ngày nay, tỷ lệ này dần giảm đi nhờ phát hiện và điều trị sớm.
Biểu hiện ở trẻ viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ loét dạ dày tá tràng là 8,1% ở trẻ em được nội soi đường tiêu hóa trên vì đau bụng, phần lớn là nam giới trong độ tuổi 10-20. Thủng ở trẻ em xảy ra với tỷ lệ 0-9% ở bệnh nhân viêm dạ dày tá tràng có loét tá tràng và thường gặp hơn ở những trẻ trên 7 tuổi.
Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác như dùng thuốc kháng viêm NSAID lâu dài (aspirin, ibuprofen), chế độ ăn không phù hợp (quá cay, quá chua, nóng…); ăn uống không đúng giờ; thường xuyên căng thẳng, lo lắng do áp lực học hành, xem tivi, chơi game quá nhiều, thức khuya…
Trẻ bị viêm dạ dày thường biểu hiện chán ăn, đau bụng, đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, khó tiêu, trẻ còn có thể xanh xao, tim đập nhanh, tay chân lạnh, không tập trung học do tình trạng mất máu vào ruột qua ổ loét. Tình trạng cấp có thể là mất máu ồ ạt (ói máu, đi cầu máu đen) hoặc mất máu không thể hiện rõ như bé đi cầu có máu ẩn trong phân.
Không nên dùng chung chén nước chấm
Theo bác sĩ Trọng, để phòng ngừa biến chứng thủng ổ loét dạ dày tá tràng cần phòng ngừa tốt viêm loét dạ dày, trong đó vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, có khoảng 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Với tập tục chấm chung nước chấm, dùng chung chén đũa, thói quen bón thức ăn khiến trẻ em có nguy cơ cao lây nhiễm HP. Ở những trẻ có cơ địa tăng tiết dịch dạ dày, khuẩn HP có thể gây loét, viêm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo mỗi gia đình nên từ bỏ thói quen chấm chung nước chấm, không dùng chung chén đũa; người lớn không nên nhai thức ăn để bón cho trẻ. Phụ huynh nên lưu ý các biểu hiện và đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Trường hợp trong gia đình đã có một người bị viêm loét dạ dày thì cả gia đình nên tầm soát nhằm phát hiện và điều trị sớm.
Viêm loét dạ dày có tỷ lệ tái phát cao, do đó khi bị bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đầy đủ. Riêng trường hợp nhiễm vi khuẩn dạ dày HP cần điều trị triệt để, để hạn chế nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc dẫn đến khó khăn trong điều trị về sau.
Bình luận (0)