TP.HCM: Ca mổ hơn 5 giờ cứu bệnh nhân mắc hội chứng Marfan

04/10/2017 18:49 GMT+7

Bệnh nhân bị hội chứng Marfan khiến cho ngón tay, ngón chân dài bất thường, người gầy như suy dinh dưỡng. Đặc biệt, qua chụp X-quang cho thấy cột sống bệnh nhân bị vẹo đến 69 độ.

Hôm nay (4.10), Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết về trường hợp bệnh nhân 15 tuổi (ngụ TP.HCM) bị mắc hội chứng Marfan. Nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhân có thể bị tim mạch và sống không quá 45 tuổi.
Được biết, bệnh nhân được phát hiện bị vẹo cột sống trong một lần khám sức khỏe định kỳ ở trường. Em đã được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được điều trị bằng cách nẹp lưng và tập phục hồi chức năng.
Sau ba năm nẹp lưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng tệ hơn. Bệnh nhân bắt đầu đi đứng khó khăn, vai lệch sang một bên.
Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Thành, Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, cho biết: Qua phim chụp X-quang cho thấy cột sống của bệnh nhân bị vẹo đến 69 độ, chèn ép phổi. Bệnh nhân bị hạn chế về đường hô hấp, ăn ngủ không ngon, khiến gầy ốm, suy dinh dưỡng. Ngón tay, ngón chân của bệnh nhân dài bất thường. Bệnh nhân được xác định bị hội chứng Marfan.
Theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, may mắn là trường hợp này tình trạng vẹo cột sống chưa ảnh hưởng đến tim mạch và các cơ quan nội tạng khác. Tuy nhiên, góc vẹo đã quá lớn như vầy thì việc đeo nẹp hoàn toàn không có tác dụng. Nếu không phẫu thuật sớm thì góc vẹo sẽ càng lớn, ảnh hưởng nặng nề lên hệ hô hấp và các cơ quan khác, nguy hiểm đến tính mạng.
Phim chụp X-quang cột sống bệnh nhân trước (hình trên) và sau (hình dưới) phẫu thuật Nguyên Mi
Bác sĩ đánh giá, khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mất máu rất nhiều và sau mổ chức năng hô hấp giảm 50%, phải chờ thời gian phục hồi. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân lại suy dinh dưỡng. Vì vậy, bác sĩ Đơn vị Cột sống và các bác sĩ chuyên khoa Mắt, Tim mạch, Dinh dưỡng đã hội chẩn để có phương án chăm sóc cho bệnh nhân trong vòng sáu tháng, đảm bảo điều kiện sức khỏe rồi mới phẫu thuật.
Ca mổ kéo dài hơn 5 giờ. Các bác sĩ đã nắn chỉnh đường cong cột sống lại còn 19 độ, cắt xương màng chậu khoảng 5 cm để hàn vào cột sống, bắt 27 ốc vít cố định từ đốt sống ngực đến thắt lưng.
Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ cũng hạn chế tối đa lượng máu mất và sử dụng máy lọc máu hoàn hồi lọc lại được 170 ml trong số máu đã chảy ra để truyền lại cho bệnh nhân.
Hiện nay, một tuần sau khi mổ, bệnh nhân đang phục hồi sức khỏe, hai vai đã cân đối.
Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Võ Văn Thành cho biết: Theo y văn thế giới, hội chứng Marfan có tỉ lệ 1/5.000 người mắc. Đây là hội chứng bẩm sinh do rối loạn về gien gây ra. Bệnh thường gặp nhiều nhất ở trẻ em nữ, độ tuổi từ 13-15 tuổi.
Hội chứng Marfan là một dạng bệnh do mô liên kết bị lỏng khiến ngón tay, ngón chân dài và trông yếu ớt; cột sống bị vẹo. Các cơ quan như mắt, thần kinh, hệ xương và hệ tim mạch bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Nếu được phát hiện sớm, có thể điều trị bằng cách nẹp hoặc tìm phương pháp phù hợp. Ở các nước phát triển, việc đeo dụng cụ nẹp cho người bệnh từ 20 - 40 độ có thể tránh tới 80 - 90% phải phẫu thuật về sau.
Trường hợp góc vẹo đã trên 40 độ, nếu không mổ sớm bệnh sẽ càng ngày càng nặng thêm, đường cong uốn lượn ở cột sống kéo dài lên ngực ảnh hưởng đến đường hô hấp, chèn ép các cơ quan, nguy hiểm tính mạng.

tin liên quan

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm khớp?

Các bệnh về khớp là một phần của quá trình lão hóa. Hay gặp nhất là thoái hóa khớp. Tuy nhiên, một số dạng viêm khớp cũng như nhiều trường hợp mắc bệnh có thể được ngăn ngừa từ sớm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.