3 tháng đầu năm 2023 chỉ giải ngân được 1.608 tỉ đồng (đạt 4% kế hoạch năm) khiến lãnh đạo TP.HCM sốt ruột, dù các chủ đầu tư báo cáo các phần việc vẫn đang đúng kế hoạch. Giải phóng mặt bằng chậm trễ là điểm cốt tử nhiều năm qua, nếu không có chuyển biến thì khó giải ngân hết hơn 43.400 tỉ đồng trong năm nay.
DỰ ÁN CHỜ MẶT BẰNG
Năm 2023, TP.HCM có 104 dự án được ghi vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi chung là bồi thường) với tổng số vốn 6.085 tỉ đồng. Dù vậy, thống kê của Sở TN-MT cho thấy trong 3 tháng đầu năm chỉ giải ngân 18,8 tỉ đồng, đạt 0,31%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân đầu tư công bình quân toàn TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM còn có dự án Vành đai 3 - thành phần 2 (bồi thường) đã bố trí cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông 11.500 tỉ đồng, tính chung cho 4 địa phương có dự án đi qua gồm: TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn và H.Củ Chi. Như vậy, năm nay có 108 dự án bồi thường với tổng số vốn là 17.585 tỉ đồng.
Áp lực giải ngân về bồi thường trong đầu tư công ngày càng dồn dập. Bởi trong số 197 dự án của năm 2022 với tổng vốn khoảng 12.100 tỉ đồng nhưng đến cuối tháng 3.2023 cũng mới giải ngân gần 9.750 tỉ đồng, đạt 80,6%. Bồi thường chậm kéo theo dự án xây lắp "đứng hình" là thực tế diễn ra tại nhiều dự án như cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn tại TP.Thủ Đức, hay dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ ở Q.7...
Đánh giá lại thực trạng công tác bồi thường chậm, Sở TN-MT TP.HCM chỉ ra 20 nguyên nhân chính. Đầu tiên, công tác lập dự án của chủ đầu tư chưa chính xác, dẫn đến khi đi vào thực tế công tác bồi thường phát sinh thêm diện tích đất thu hồi, tăng tổng mức đầu tư... phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Còn chủ đầu tư dự án xây lắp chưa tìm hiểu về trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường nên dự kiến thời gian, kế hoạch thực hiện các công việc liên quan chưa phù hợp.
Thậm chí, chủ đầu tư tự ấn định thời điểm khởi công và hoàn thành công trình nhưng không gắn với quy trình, tiến độ bồi thường của địa phương. Nhiều dự án bồi thường chưa xong nhưng chủ đầu tư đã xây lắp từ trước, đến khi vướng nhiều mặt bằng nên chưa thể thi công hoàn chỉnh khiến dự án chưa thể nghiệm thu đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc khác như công tác chuẩn bị hồ sơ bồi thường (kiểm đếm, đo đạc, xác nhận pháp lý) chưa tốt; pháp lý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phức tạp, công tác kiểm đếm đo đạc tốn nhiều thời gian; dự kiến nhu cầu căn hộ, nền đất của quận, huyện chưa sát với các dự án trên địa bàn…
Đặc thù công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư là đầu năm HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết, UBND TP.HCM phân bổ vốn thì quận, huyện mới có cơ sở triển khai nên thường kéo dài và tập trung giải ngân vào quý 4 hằng năm. Như năm 2022, đến tháng 11 - 12 mới được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên các địa phương tập trung chi trả cho các trường hợp đồng ý nhận tiền, các trường hợp không đồng ý nhận tiền thì gửi vào Kho bạc Nhà nước. Theo thống kê, các địa phương có tỷ lệ người dân đồng ý nhận tiền bồi thường thấp, dưới 36% gồm có Q.3, Q.Tân Phú, H.Hóc Môn và H.Củ Chi.
CẤP ỦY VÀO CUỘC
"Nếu như giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định. Trong 3 tổ công tác thúc đẩy đầu tư công, ông Mãi đánh giá tổ giải phóng mặt bằng có nhiều cách làm hiệu quả trong năm 2022 và cần tiếp tục tập trung trong năm 2023 để nửa đầu năm xong giải phóng mặt bằng và nửa cuối năm xây dựng dự án. Trong cơ cấu vốn đầu tư công năm 2023, 4 ban quản lý dự án lớn chiếm 67%, tốc độ giải ngân phần vốn xây lắp của các ban này phụ thuộc vào việc giao mặt bằng.
PHÊ BÌNH 25 ĐƠN VỊ GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG 0%
Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có công văn phê bình 25 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 chỉ 0%. Trong danh sách này có nhiều bệnh viện như: An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Gia Định, Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Trưng Vương. Ngoài ra, còn có thể kể đến một số chủ đầu tư có vốn lớn nhưng chưa giải ngân đồng nào như Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Đáng chú ý, có 2 đơn vị hoàn thành giải ngân 100% vốn giao năm 2023 là Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (95 tỉ đồng) và UBND Q.Phú Nhuận (31 tỉ đồng).
Sở TN-MT TP.HCM đã đề ra 26 giải pháp để thúc tiến độ giải ngân vốn bồi thường. Cụ thể, không bố trí vốn bồi thường cho địa phương và chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án, chưa xây dựng kế hoạch bồi thường. Đồng thời, không bố trí vốn cho cấu phần xây lắp khi chưa đảm bảo tiến độ bồi thường theo kế hoạch. Đối với các địa phương có nhiều dự án thực hiện cùng lúc với số lượng hồ sơ lớn thì chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy, nhân sự của Phòng TN-MT, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND cấp xã.
Trong giai đoạn đầu xác lập hồ sơ bồi thường, các địa phương cần tổng hợp tất cả vướng mắc, khó khăn về chính sách, về trình tự thủ tục có thể phát sinh để xin ý kiến cấp thẩm quyền nhằm giải quyết đồng bộ và thống nhất, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Sở TN-MT kiến nghị UBND TP.HCM giao các địa phương báo cáo tiến độ 2 tuần/lần cho Tổ trưởng Tổ công tác bồi thường. Nếu có vướng mắc, khó khăn thì báo cáo ngay để tổ trưởng kịp thời giải quyết, hoặc báo cáo kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo giải quyết…
"Tổ công tác giải phóng mặt bằng đã làm tốt, cần đi xuống các quận, huyện có nhiều nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, các dự án lớn để tháo gỡ. Tương tự, cấp quận, huyện thì Chủ tịch UBND quan tâm, báo cáo huyện ủy hỗ trợ giải phóng mặt bằng", ông Mãi yêu cầu. Để giải ngân trên 95% vốn đầu tư công, các chủ đầu tư cập nhật tiến độ thường xuyên, đôn đốc giải quyết và tháo gỡ nhanh các vướng mắc phát sinh.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo các địa phương có dự án Vành đai 3 đi qua cho biết đang bám sát tiến độ theo kế hoạch chung. Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, cho biết dự án Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện dài khoảng 15 km, diện tích thu hồi khoảng 146 ha, dự kiến có 393 trường hợp bị ảnh hưởng. Các trường hợp đủ điều kiện tái định cư được bố trí bằng nền đất tại khu tái định cư An Hạ, các hộ không đủ điều kiện nhận nền đất thì hỗ trợ tái định cư bằng căn hộ tại khu tái định cư 30 ha xã Vĩnh Lộc B.
Lãnh đạo UBND H.Hóc Môn cho hay sẽ cố gắng bàn giao 90% mặt bằng trước ngày 30.6. Vướng mắc lớn nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân không đủ điều kiện tái định cư do đơn giá bồi thường thấp. Bên cạnh vận động thì huyện hỗ trợ về xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, tìm nguồn vận động hỗ trợ thêm để tạo sự đồng thuận.
Tại Q.Gò Vấp, dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ Q.Bình Thạnh đến công viên văn hóa) là công trình trọng điểm nhằm giải quyết ách tắc giao thông, đồng bộ tải trọng khai thác chung trên đường Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn và Lê Đức Thọ. Dự án đi qua 3 phường, ảnh hưởng 417 trường hợp, trong đó có 406 hộ dân, 10 tổ chức và 1 cơ sở tôn giáo, dự kiến thu hồi hơn 49.000 m2. Công tác giải phóng mặt bằng giao về cho quận, còn phần xây lắp do Ban Giao thông thực hiện.
Ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, đánh giá khối lượng bồi thường là "rất nặng" với địa phương, nhưng bằng sự chủ động và có kinh nghiệm từ các dự án khác nên vẫn bám tiến độ. Hiện công tác kiểm đếm, chuẩn bị hồ sơ pháp lý đã hoàn thành 95%, dự kiến bắt đầu chi bồi thường từ tháng 7.2023 và hoàn thành vào cuối năm.
Bình luận (0)