TP.HCM chuyển hóa hơn 240 bãi rác thành vườn rau, chỗ vui chơi cho trẻ

04/06/2023 04:20 GMT+7

Trong 989 điểm ô nhiễm về rác thải được giải tỏa, TP.HCM chuyển hóa 243 điểm thành khu vực sinh hoạt công cộng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao

Nội dung được thể hiện trong báo cáo trả lời ý kiến thiếu nhi của Sở TN-MT TP.HCM gửi HĐND TP.HCM về phản ánh một số tuyến đường vẫn còn rác thải và hệ thống thùng rác trên đường vẫn còn ít, đặc biệt là thùng rác hướng dẫn phân loại rác.

Thống kê từ 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức trong năm 2022, ghi nhận phát sinh thêm 113 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, 136 điểm ô nhiễm được giải tỏa và chuyển hóa thêm 50 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng như công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…

Như vậy, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 năm 2018 của Thành ủy TP.HCM đến nay, thành phố đã giải tỏa được 989/1.002 điểm ô nhiễm về rác thải (tỷ lệ giải quyết đạt 98,7%), chuyển hóa 243 điểm thành khu vực sinh hoạt cộng đồng.

Sở TN-MT đánh giá công tác tổng vệ sinh khu vực phát sinh rác được các quận, huyện quan tâm, xem đây là công tác được thực hiện thường xuyên và được sự quan tâm, phối hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương.

TP.HCM chuyển hóa hơn 240 bãi rác thành vườn rau, chỗ vui chơi cho trẻ - Ảnh 1.

Bãi rác lớn nằm giữa khu dân cư tại đường số 13, P.Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được cải tạo thành vườn rau, sân chơi cho trẻ em

XUÂN KHÁNH

Về tình hình thùng rác công cộng, Sở TN-MT cho biết năm 2022, các quận, huyện trang bị thêm 2.181 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm, nâng tổng số thùng rác công cộng toàn thành phố lên 42.250 thùng. Tuy nhiên, qua rà soát, thống kê có một số thùng rác bị mất, hư hỏng... nên số lượng còn sử dụng được là 38.345 thùng rác công cộng.

Về công tác phân loại rác, từ năm 2021, TP.HCM đổi mới phương thức phân loại còn 2 nhóm chính: nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại. 

Tuy nhiên, luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung quy định việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Sở TN-MT đã cùng các địa phương rà soát lại hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại và tổng hợp ý kiến về thời điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 3 loại.

Trên cơ sở đó, Sở TN-MT xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2023 - 2025 trình UBND TP.HCM ban hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.