TP.HCM có kịp phủ hơn 200 km metro trong 10 năm?

11/04/2024 04:05 GMT+7

Chỉ còn 7 ngày để TP.HCM hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Song, công việc vẫn ngổn ngang, khung sườn đề cương đã lên nhưng nội dung vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

Lo lắng là tâm trạng chung của tất cả các đơn vị tại cuộc họp trao đổi các nội dung liên quan đến đề án nói trên, do Sở GTVT TP.HCM chủ trì chiều qua (10.4).

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD

Độc Lập

Văn bản gửi liên tục nhưng tiến độ quá chậm

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định đây là đề án rất khó, mang tính đột phá, chưa có tiền lệ trên cả nước. Dự kiến ngày mai 12.4, Bộ GTVT sẽ họp cùng TP.HCM và TP.Hà Nội để thống nhất về đề cương và cách làm. Mục tiêu là đến trước ngày 18.4 phải hoàn thiện dự thảo đề án, trình Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trước 10.5. Sau đó, Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ xem xét, thông qua nội dung đề án trước 25.5 và Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị nội dung đề án trước 15.6.

"Thời gian rất gấp rút, không kịp để thuê đơn vị tư vấn riêng. Sở đã huy động cả 4 đơn vị tư vấn hàng đầu của VN hỗ trợ các đơn vị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Nội dung quan trọng nhất của đề án là phương án đầu tư phát triển. TP.HCM sẽ làm bao nhiêu km đường sắt đô thị, bao nhiêu tuyến, phát triển các trục đường từ xuyên tâm ra hay chạy từ các tuyến vành đai vào, thời gian trong bao lâu, cơ chế vốn, trình tự đầu tư... thế nào? Sau đó là công tác tổ chức xây dựng và khai thác theo mô hình nào... 12 năm để làm 220 km metro là thách thức rất lớn. Đây là những nội dung phải làm rõ để khi đề án được Quốc hội bấm nút thông qua thì có thể triển khai được ngay, bắt tay vào làm ngay. Phải như vậy mới kịp", ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

TPHCM đề xuất đầu tư gần 50 tỉ USD làm hơn 500 km metro

Báo cáo nhanh tiến độ đề án đang xây dựng, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết: ngày 28.2.2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49. Ngay sau đó 1 tuần, Văn phòng Thành ủy TP.HCM chỉ đạo UBND TP, các sở, ban, ngành tổ chức triển khai kết luận này. Thế nhưng, công tác tiếp theo rất chậm. "Chúng ta chỉ có 12 năm, quỹ thời gian rất ngắn mà mất 1 năm mới có chỉ đạo xây dựng đề án. Từ tháng 12.2023, Chủ tịch UBND TP đã phân cho các sở, ngành cùng MAUR viết đề cương dự án nhưng đến nay chưa có sở, ngành nào viết ra được tiêu chí. Văn bản chúng tôi gửi đi liên tục, xin ý kiến liên tục, chỉ đạo của UBND TP thì có rồi nhưng thực tế nhận về thành quả không bao nhiêu. Như vậy là quá chậm và lãng phí thời gian", đại diện MAUR nhận định.

Từ đầu năm đến nay, MAUR đã 3 lần trình dự thảo đề án, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các hội đồng tư vấn và làm việc trực tiếp với các sở, ngành. Song, cũng do sự chậm trễ từ các đơn vị nên đại diện MAUR đánh giá đề cương và nội dung đề án hiện có rất nhiều vấn đề. Còn thiếu 2 nội dung rất lớn là chưa có đầy đủ dữ liệu đầu vào và báo cáo đánh giá tác động cho các cơ chế đề xuất.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT và 2 địa phương thống nhất theo hướng rút gọn về cả nội dung và trình tự trình đề án cho Bộ Chính trị cũng như trình Nghị quyết cho Quốc hội. Tiến độ đề án chỉ có thể thực hiện được khi đã chốt được hết nội dung, trình tự thực hiện và xác định được nguồn lực, nhân lực, kinh phí…", đại diện MAUR đề xuất.

Quyết tâm chính trị phải rất cao mới làm nổi !

Sau khi nghe trình bày của phía MAUR, ông Trần Quang Lâm đề nghị các đơn vị đã chấp bút tiếp tục tự viết đề án, trên cơ sở phối hợp và phân chia rõ ràng từng nhóm nội dung cho từng sở, ngành phụ trách. "Đơn cử, TP.HCM cần đề xuất đột phá cơ chế riêng cho đường sắt. Sau khi quy hoạch chung thực hiện, TP có thể lập ngay quy hoạch chi tiết mạng lưới đường sắt đô thị mà không cần tất cả các quy hoạch phân khu khác. 

Liên quan đến quy hoạch, các đề xuất sẽ do Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng nội dung. Hay ở khâu triển khai, Trung Quốc "thần tốc" hình thành mạng lưới đường sắt đô thị nhờ bỏ qua các khâu báo cáo khả thi, tiền khả thi... Vậy TP.HCM có thể làm quy hoạch xong lập dự án luôn, tổ chức đấu thầu luôn được hay không? Phần này phải do Sở KH-ĐT tự viết. Rồi phần thu hồi đất, bồi thường tái định cư… thuộc trách nhiệm của Sở TN-MT…", ông Lâm nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cũng đồng tình cách làm không thuê tư vấn và không cầu toàn xây dựng một đề án hoàn chỉnh tất cả nội dung. Trên cơ sở đề cương MAUR đã chấp bút, Sở GTVT sẽ tập hợp theo từng nhóm để tiếp tục hoàn thiện sơ bộ dự thảo đề án, kịp hoàn thành trước 18.4 theo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, rà soát lại những cơ chế, chính sách đặc thù nào có thể tận dụng từ Nghị quyết 98 thì tận dụng, chỉ xin thêm những cơ chế mới.

Theo TS Trần Du Lịch, MAUR xin 17 cơ chế đặc thù, có thể tóm gọn thành 5 nhóm nội dung: Đầu tiên là phân cấp, phân quyền cho TP.HCM được chủ động từ đầu đến cuối. Thứ hai là cơ chế đặc thù khi triển khai xây dựng dự án. Với 2 nhóm này, cần phải rà soát từng quy định hiện nay để thấy quy định nào chưa phù hợp, chính sách nào còn bất cập, từ đó đề xuất cụ thể. Nhóm nội dung thứ 3 là cơ chế huy động vốn. Đơn vị xây dựng đề án cần thuyết minh từng cơ chế tài chính theo từng giai đoạn, trong từng giai đoạn thì phần huy động bao nhiêu, đầu tư công bao nhiêu; trong các tuyến đó, có tuyến metro nào làm theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hay không…

Nhóm thứ 4 là phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Đây là nhóm "khó nhằn" bởi luật Công nghiệp hỗ trợ đã được nghiên cứu đến nay gần 10 năm vẫn chưa làm được. Giờ chỉ một Nghị quyết đòi hỏi "ôm" hết nội dung chưa có trong luật, đòi hỏi cần nghiên cứu và thuyết minh rất kỹ. Cuối cùng là nhóm mô hình quản trị. Phải xác định rằng hệ thống metro rất khó để khai thác đủ chi phí vận hành mà không cần bù lỗ. Trên thế giới hiện chỉ có metro ở Hồng Kông có thể sinh lời vì họ đã làm sẵn TOD từ ban đầu theo từng tuyến dân cư kết hợp kiểm soát hoàn toàn phương tiện cá nhân. VN rất khó để làm được như vậy. Bán vé không đủ bù chi phí vận hành, vậy mô hình vận hành thế nào cho hợp lý, cần tính toàn kỹ.

"Đây là đề án rất khó, khó hơn cả Nghị quyết 98. Từ nay đến năm sau, chúng ta có kịp hoàn thiện hết phần thủ tục để 2026 có thể triển khai đồng loạt 2 - 3 tuyến cùng lúc, kịp đến 2035 hay cùng lắm là 2040 sẽ hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch không? Phải khẳng định là cần quyết tâm chính trị rất cao mới có thể làm được. Đây không chỉ là câu chuyện xin cơ chế mà còn vấn đề nguồn vốn, là thay đổi toàn bộ phương án triển khai thực hiện. Thách thức cực lớn!", TS Trần Du Lịch nhìn nhận. 

Đề xuất làm hơn 500 km metro, gấp đôi quy hoạch hiện nay

Đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài đường sắt đô thị của TP.HCM theo quy hoạch từ 220 km hiện nay lên khoảng 511 km, chia thành 10 tuyến, gồm 384 nhà ga. Trong đó có 1 tuyến vành đai và 8 tuyến xuyên tâm, đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2045. Theo đề xuất này, tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) hiện sắp hoàn thiện 19,7 km được định hướng nhập cùng một phần tuyến 3a, kéo dài tới depot An Hạ (H.Bình Chánh) sát với tỉnh Long An, tạo thành trục đường sắt liên tục chạy từ phía đông sang tây. Khi đó, tuyến metro số 1 sẽ dài tới 40,8 km, đi qua 14 nhà ga và 2 depot; tuyến metro số 2 kéo tổng chiều dài lên 65,82 km.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.