Theo đó, mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh: Nhóm 1 là học sinh tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo đó, có 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Các khoản thu, mức thu như sau:
Đối với nhóm 1:
Các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa, bao gồm 7 khoản thu:
- Tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: Mức thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT
- Tiền tổ chức dạy tăng cường môn ngoại ngữ: Mức thu quy định không quá 100.000 đồng/tháng ở bậc tiểu học, không quá 200.000 đồng/tháng ở bậc THCS và không quá 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT
- Tiền tổ chức dạy tin học: mức thu dao động từ 50.000-240.000 đồng/tháng.
- Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ, kỹ năng sống, STEM, học bơi, học ngoại ngữ với người nước ngoài, học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ, học ngoại ngữ thông qua toán và khoa học): Mức thu từ 80.000-800.000 đồng/tháng tùy lớp, môn
- Tiền tổ chức dạy học nghề tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết
- Tiền tổ chức dạy bổ sung kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên: 10.000 đồng/tiết
- Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè: 500.000 đồng/tuần
Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án gồm 4 khoản thu:
- Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam": Mức thu 3,6 triệu đồng/tháng với cấp tiểu học và THCS, 8,5 triệu đồng/tháng với cấp THPT.
- Tiền tổ chức các lớp học theo Đề án tin học quốc tế: 120.000-180.000 đồng/tháng
- Tiền tổ chức thực hiện Đề án trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế": 1.725.000 đồng/tháng
- Tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư: 210.000 đồng/tháng
Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú gồm 5 khoản thu:
- Tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú: 250.000-550.000 đồng/tháng
- Tiền phục vụ ăn sáng: 60.000-220.000 đồng/tháng
- Tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú: 200.000-450.000 đồng/năm
- Tiền giữ trẻ mầm non ngoài giờ: 12.000 đồng/giờ
- Tiền công trả lương cho nhân viên nuôi dưỡng: 160.000-260.000 đồng/tháng
Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh gồm 10 khoản thu:
- Tiền mua sắm đồng phục học sinh: 200.000-500.000 đồng/bộ
- Tiền học phẩm – học cụ - học liệu: 300.000-600.000 đồng/năm
- Tiền suất ăn trưa bán trú: 35.000 đồng/ngày
- Tiền suất ăn sáng: 20.000 đồng/ngày
- Tiền nước uống: 20.000 đồng/tháng
- Tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường): 50.000-70.000 đồng/năm
- Tiền sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh): 35.000-50.000 đồng/tháng
- Tiền dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: 110.000 đồng/tháng
- Tiền trông giữ xe học sinh: 2.000 đồng/lượt
- Tiền tổ chức xe đưa rước học sinh: 8.000-10.000 đồng/km
Đối với học sinh nhóm 2, mức thu tối đa các khoản thấp hơn khoảng 10.000-50.000 đồng so với nhóm 1.
Mức thu áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM. Đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập đang được hưởng chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí thì không phải đóng các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa.
HĐND TP.HCM cũng quy định các mức thu quy định tại nghị quyết là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.
Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc sử dụng các khoản thu phải đúng mục đích thu, công khai kế hoạch thu – chi của từng khoản thu đến cha mẹ học sinh trước khi tổ chức thực hiện và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Đối với khoản thu tiền tổ chức thực hiện Đề án "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức và Sở GD-ĐT có ý kiến đối với mức thu của trường thực hiện chương trình chất lượng cao theo phân cấp quản lý và không vượt quá mức thu tối đa được quy định.
HĐND TP.HCM cũng nêu rõ thời gian thực hiện khoản thu phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian kế hoạch năm học do UBND TP.HCM quy định.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, cho biết, thực hiện theo nghị định của Chính phủ, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TP.HCM xây dựng và quy định danh mục các khoản thu trong trường học.
Những khoản thu, mức thu này được xây dựng sau quá trình khảo sát, giám sát của HĐND. Từ việc mỗi địa phương có mức thu khác nhau thì TP thực hiện việc quy định thành danh mục. Việc làm này sẽ giúp công tác thực hiện thu chi trong trường học được công khai, minh bạch và có sự giám sát chung.
Bình luận (0)