TP.HCM đã đạt những kết quả khá toàn diện

16/10/2020 06:50 GMT+7

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM diễn ra hôm qua (15.10).

Dự lễ khai mạc đại hội (ĐH) có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các vị lão thành cách mạng, bà mẹ VN anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; các vị nguyên là lãnh đạo của TP.HCM qua các thời kỳ; các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu..., cùng 444 đại biểu chính thức được triệu tập.

Giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước

Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu mà TP.HCM đạt được, tạo nền tảng vững chắc để TP.HCM phát triển trong nhiệm kỳ mới. Thủ tướng khẳng định trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân TP.HCM đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đoàn kết, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đạt những kết quả khá toàn diện, quan trọng trên tất cả lĩnh vực, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII của Đảng.

Cần thêm nguồn lực tài chính để đầu tư

Theo báo cáo chính trị được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trình bày tại đại hội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2019 gần 1,5 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, ước tổng chi cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 356.699 tỉ đồng. Kể từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP.HCM giảm từ 23% xuống còn 18% (TP.HCM được phân bổ 18% trong tổng thu ngân sách - PV). Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (giai đoạn 2020 - 2030 cần đến gần 1 triệu tỉ đồng - PV) và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao đã gây áp lực khá lớn cho ngân sách TP. Liên quan vấn đề này, sáng 14.10 tại phiên trù bị của đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đề án điều tiết ngân sách giữa T.Ư và TP.HCM đã được TP.HCM xây dựng và lấy ý kiến bộ ngành, nhưng do thay đổi chu kỳ ngân sách nên hiện chưa quyết định được mức phân bổ ngân sách 5 năm tới. Với tỷ lệ điều tiết hiện nay là 18%, thì TP.HCM thuộc diện thấp nhất cả nước, làm hạn chế nguồn vốn tại chỗ để tái đầu tư cho hạ tầng. 
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP.HCM tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tỷ trọng kinh tế TP đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước, thu ngân sách chiếm tỷ trọng khoảng 27% cả nước. TP.HCM cũng là địa phương đi đầu trong xây dựng “TP thông minh”, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông đô thị… Thủ tướng khẳng định T.Ư sẽ lắng nghe, giải quyết kịp thời những kiến nghị của TP.HCM để tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới. “Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng và Chính phủ đã trực tiếp làm việc 8 lần để cùng các lãnh đạo TP.HCM tháo gỡ vướng mắc, để TP.HCM tiến bước nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn, nhưng sắp tới cần làm mạnh mẽ hơn trong xử lý các bất cập”, Thủ tướng nói.
Nêu ra một số nhiệm vụ trọng tâm, định hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng tin tưởng TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước trên cơ sở thực hiện tốt, vận dụng sáng tạo chủ trương của nhà nước về thí điểm cơ chế đặc thù. “Chúng ta kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “quyền anh, quyền tôi”, “trên nóng, dưới lạnh” tiếp diễn”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác và xử lý công việc, có các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. “Đổi mới quản lý nhà nước, quản trị quốc gia, quản trị địa phương, nhất là những đô thị lớn như TP.HCM, đang là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách”, Thủ tướng lưu ý thêm.

Nhận diện rõ những thành tựu, hạn chế

Trước đó, đọc diễn văn khai mạc ĐH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu bật những thành tựu mà TP.HCM đạt được, trong đó có 5 cái nhất góp phần khẳng định TP.HCM tiếp tục là đầu tàu kinh kế của cả nước. Cụ thể, TP.HCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước, nhưng nhờ năng suất lao động cao mà TP.HCM đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước, tăng trưởng bình quân 2016 - 2019 là 7,7%/năm. TP.HCM luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia, trong khi là địa phương có tỷ lệ chi ngân sách trên thu ngân sách thấp nhất cả nước. TP.HCM là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước. Khu công nghệ cao TP.HCM là khu công nghệ cao thành công nhất cả nước; với diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỉ USD và 35.000 lao động, xuất khẩu 5 năm qua là 63 tỉ USD, bình quân một lao động xuất khẩu hơn 8 tỉ đồng/năm.
Đề cập đến một số hạn chế, đồng thời nêu ra nhiều giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Thiện Nhân nói thêm: “Yếu kém lớn nhất của Đảng bộ TP là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của TP, của hợp tác vùng (kinh tế trọng điểm phía nam - PV) và hợp tác quốc tế để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của người dân và đòi hỏi phát triển của TP”.
VĨNH PHÚC
Ngày 15.10, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khóa mới gồm 14 người. Bà Hoàng Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khóa XVI, tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII.
TUYÊN QUANG
Ngày 15.10, Hội nghị lần thứ nhất BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa mới gồm 13 người. Ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII.
ĐIỆN BIÊN
Ngày 15.10, BCH Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, làm Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khóa XIV.
BẮC GIANG
Ngày 15.10, BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XIX đã bầu ông Dương Văn Thái, Phó bí thư Tỉnh ủy khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
HÀ TĨNH
Sáng 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX khai mạc với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính. Trong ngày làm việc đầu tiên, 347 đại biểu dự đại hội đã bầu 53 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX. Chiều tối cùng ngày, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XIX đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy cùng các chức danh khác.
BÌNH ĐỊNH
Sáng 15.10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu chính thức. Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Cuối giờ chiều cùng ngày, đại hội đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX gồm 54 người.
PHÚ YÊN
Ngày 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 49 người, và bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 người. Tại hội nghị lần thứ nhất, BCH Đảng bộ tỉnh đã bầu ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XVI, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XVII.
ĐẮK LẮK
Ngày 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh gồm 53 thành viên. BCH Đảng bộ tỉnh đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 thành viên. Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khóa XVI, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII.
LÂM ĐỒNG
Ngày 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI khai mạc với sự tham dự của 320 đại biểu. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
ĐỒNG NAI
Ngày 15.10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI khai mạc. Phát biểu chỉ đạo đại hội, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, đề nghị đại hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan lựa chọn những người bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, uy tín; có năng lực công tác, tư duy đổi mới, sáng tạo; gắn bó mật thiết với nhân dân, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước, của địa phương vào BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025...
TÂY NINH
Ngày 15.10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI khai mạc. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.
BẾN TRE
Sáng 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI khai mạc, với sự tham dự của 350 đại biểu. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đến dự và chỉ đạo đại hội.
BẠC LIÊU
Sáng 15.10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI khai mạc, với sự tham dự của 317 đại biểu. Đến dự và chỉ đạo đại hội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư, bày tỏ sự tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng và những thành tựu đã đạt được, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
LONG AN
Sáng 15.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI bước vào ngày làm việc thứ 3. Trong phiên họp đầu tiên, BCH Tỉnh ủy khóa mới đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên. Ông Nguyễn Văn Được, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
SÓC TRĂNG
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV diễn ra trong 2 ngày 14 - 15.10 đã bầu ra BCH khóa mới gồm 51 người, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 ủy viên. Ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.