TP.HCM đã tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên

Nguyễn Anh
Nguyễn Anh
08/03/2021 13:28 GMT+7

Sáng 8.3.2021, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã chính thức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế.

Sáng nay 8.3, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã chính thức triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và đại diện Cục y tế dự phòng, Cục quản lý khám chữa bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế, Công ty CP vắc xin Việt Nam (VNVC - đơn vị nhập vắc xin) và nhà sản xuất vắc xin Covid-19 AstraZeneca đã đến chứng kiến.

Hạnh phúc

Lúc 9 giờ, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, liều vắc xin Covid-19 (vắc xin của AstraZeneca) đầu tiên được tiêm cho nữ bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn.
Đây là nữ bác sĩ đã phải hoãn cưới nhiều lần để đi chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để điều trị những ca Covid-19 nặng.
“Tôi vui và hồi hộp quá, cả đêm hôm không ngủ được. Khi chợp được mắt thì nằm mơ. Tôi thấy cả nhà đều được tiêm và cùng nhau đi nước ngoài”, bác sĩ Xuân kể và hy vọng tương lai, tất cả mọi người đều được tiêm vắc xin Covid-19 và cuộc sống trở lại bình thường.

Những mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nữ điều dưỡng trưởng Khoa Nhiễm D - Phạm Thị Tuyến cũng là một trong những người đầu được tiên tiêm vắc xin Covid-19 sáng nay. Chị nói mình không lo lắng khi nghe một số thông tin có ca tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 vì tỉ lệ dù có thì rất thấp. Do đó, quan trọng là sau tiêm, cần theo dõi sức khỏe. Chị nói, điều quan trọng là chị hạnh phúc vì được lãnh đạo quan tâm ưu tiên tiêm trước để đảm bảo sức khỏe để chăm sóc cho bệnh nhân. Vì tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là nơi điều trị nhiều bệnh nhân nhiễm, nghi nghiễm Covid-19.
Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, cho hay ông cũng là một trong những người được tiêm đầu tiên trong sáng 8.3 và rất hồi hộp, hạnh phúc. 
“Từ khi dịch bệnh xảy ra, điều tôi mong mỏi nhất là có vắc xin Covid-19 sớm nhất. Và hiện tại, điều này đã trở thành hiện thực”, bác sĩ Phong nói. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong và bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân là 2 bác sĩ tham gia trực tiếp vào quá trình điều trị bệnh nhân 91 - phi công người Anh. 
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho rằng việc bệnh viện được Bộ Y tế chọn vào danh sách 1 trong 18 cơ sở điều trị Covid-19 được ưu tiên tiêm chủng vắc xin đợt đầu tiên này, trở thành những công dân đầu tiên của Việt Nam được tiêm vắc xin Covid-19 là niềm hạnh phúc và vinh dự đối với bệnh viện. Điều này cũng nhắc nhở cán bộ nhân viên bệnh viện bổn phận và trọng trách của mình là những “chiến binh” tuyến cuối về điều trị Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía nam.
“Với hiệu quả của vắc xin khi tiêm đầy đủ liều, chúng tôi - những "chiến binh" tuyến đầu chống dịch được trang bị thêm một hệ thống giáp bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi rút, đó là "hệ thống giáp sinh học". Phòng ngừa nhân viên y tế lây nhiễm bệnh là việc làm cần thiết vì điều này sẽ giúp nhân viên y tế đủ sức khỏe để chăm sóc bệnh nhân, và quan trọng hơn là ngăn không gây hại cho bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói. 

Phản ứng phụ của vắc xin Covid-19 ra sao?

Theo Bộ Y tế, vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.
Theo các dữ liệu đến tháng 2.2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai; chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tủ lạnh chứa vắc xin Covid-19

ẢNH: DUY TÍNH

Bộ Y tế khuyến cáo, người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19. Trong buổi tiêm chủng, phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân (bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị, các thuốc và liệu trình điều trị dùng trong thời gian gần đây, các biểu hiện sức khỏe bất thường gần đây…) để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.

Ngày đặc biệt

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cho biết hôm nay là ngày đặc biệt vì có nhiều nhiều người Việt Nam được tiêm những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên. Vắc xin Covid-19 được xem là “áo giáp” bảo vệ nhân viên y tế, người dân trước dịch bệnh. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất từ trước đến nay của ngành y tế tổ chức.
 

Chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin

Sáng 8.3, dưới sự giám sát của các đoàn của Bộ Y tế do các Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn và Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu, những liều vắc xin đầu tiên đã được tiêm cho các đối tượng ưu tiên tại các điểm nóng về dịch bệnh, các cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 bao gồm: Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Chương trình tiêm chủng được Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) thực hiện.
Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong trận chiến chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. 
Trước đó, với sự hỗ trợ, hướng dẫn và chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế, VNVC trở thành đơn vị đầu tiên có vắc xin Covid-19 và là đơn vị duy nhất được AstraZeneca lựa chọn phân phối Covid-19 Vaccine AstraZeneca với số lượng lớn tại Việt Nam.
Covid-19 vaccine AstraZeneca do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Số lượng 30 triệu liều vắc xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều đã được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca vào ngày 24.2 vừa qua. Với lô vắc xin này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng Covid-19 uy tín hàng đầu thế giới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.