Mới đây, mạng lưới người nước ngoài toàn cầu InterNations (văn phòng chính tại Đức) đăng tải báo cáo về cuộc khảo sát những thành phố tốt nhất và tệ nhất thế giới năm 2019. Theo báo cáo này, TP.HCM xếp hạng 3 về những thành phố đáng sống cho người nước ngoài, sau Đài Loan và Kuala Lumpur.
Người Việt thân thiện, đồ ăn hấp dẫn
Ông Marcel Lannartz người Hà Lan đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1992. Trải qua một thời gian di chuyển qua lại giữa hai nơi, năm 1997 ông chính thức chọn TP.HCM là nơi an cư.
“Tôi không thể đánh giá về Đài Loan hay Kuala Lumper. Tôi cho rằng việc đánh giá thành phố đáng sống hay không phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Tôi yêu TP.HCM vì tôi chứng kiến những đổi thay của nó. Từ một thành phố bằng phẳng chỉ có xe đạp đến một thành phố hoàn toàn mới, nhộn nhịp và đông đúc”, ông Marcel chia sẻ.
Theo ông, đồ ăn và con người Việt Nam là hai yếu tố khiến nhiều người nước ngoài cảm thấy đây là một nơi đáng sống. “TP.HCM có nhiều địa điểm để vui chơi và đồ ăn có rất nhiều sự lựa chọn. Giá cả ở đây cũng rẻ hơn nhiều so với đất nước của tôi”, ông Marcel cho biết.
Là người sáng lập Runclub (một câu lạc bộ chạy bộ tại TP.HCM), ông Marcel có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng người Việt mê chạy bộ. Ông nói: “Tôi rất yêu họ, nhưng người đang sống ở TP.HCM nói riêng, ở Việt Nam nói chung. Họ thật sự thân thiện, vui vẻ. Tôi có rất nhiều bạn bè ở đây và đó là điều khiến tôi quyết định ở đây lâu đến như vậy”.
Sống và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm, ông Mike Manley (43 tuổi, quốc tịch Mỹ) cũng có những cảm nhận tương tự. “Thật sự rất thú vị, tôi không chắc về việc xếp hạng nhưng qua thời gian sống ở đây tôi đồng ý rằng TP.HCM là một thành phố tuyệt vời và đáng sống”, ông Mike hào hứng.
Nhắc đến đồ ăn Việt, ông Mike liệt kê hẳn một danh sách những món ăn mình yêu thích như bánh mì, phở, bò kho, bánh xèo… và đặc biệt là thịt kho trứng. Ông chia sẻ: “Tôi cực thích món ăn này. Những người bạn của tôi không hiểu tại sao tôi lại thích nó. Có lẽ bởi vì họ có thể ăn món này thường xuyên trong khi tôi có rất ít cơ hội”.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, ông Mike thích tìm những quán cà phê thoáng mát và trang trí đẹp. Đường phố Sài Gòn rất thu hút ông bởi ông thích được trò chuyện với người dân địa phương.
Anh Ondra Slowik (Quốc tịch Séc) đã sống 4 năm tại Sài Gòn. Anh đã kết hôn với một cô gái Việt Nam và có một con gái 3 tuổi. Trước khi đến Sài Gòn, anh sống và học tập tại Hà Nội. Khi gặp được người vợ hiện tại, anh quyết định theo chị vào Nam lập nghiệp.
Anh tâm sự: “Tôi rất thích bữa ăn của người Việt vì ở nước ngoài mỗi người có 1 đĩa và phần ăn riêng, tôi thấy khá... ích kỷ. Môi trường ở đây rất tốt cho trẻ dưới 3 tuổi vì người Việt rất thích bế và chơi đùa với trẻ em”.
Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng
Sống ở TP.HCM lâu, ông Marcel nhận ra những thay đổi khiến thành phố gặp phải các vấn đề tiêu cực, điển hình là môi trường ô nhiễm.
“Tôi nghĩ vấn đề ùn tắc, kẹt xe và ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá đây là nơi đáng sống. Nếu tôi mới đến Việt Nam thì tôi sẽ không chọn TP.HCM để sống, có thể là Đà Nẵng. Vì mọi thứ ở đây thay đổi nhiều so với 20 trước, vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông bày tỏ.
|
Chia sẻ về vấn đề môi trường, ông Mike đồng tình cho hay: “May mắn là tôi chưa bị bệnh hay dị ứng xuất phát từ việc ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây, thành phố có những ngày khói bụi nhưng tạm thời tôi vẫn cảm thấy ổn. Mùa mưa thì không khí tốt hơn và tôi có thể nhìn thành phố từ căn hộ của mình”.
Mặc dù hầu hết chi phí ở Việt Nam rẻ hơn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng cũng có một số thứ mắc hơn rất nhiều. Sữa, bia, xe và giá vé sự kiện chạy bộ ở TP.HCM đắt hơn quê hương ông rất nhiều. Ông dẫn chứng: “Ở Hà Lan, tôi có thể mua một chiếc xe 800CC cũ với giá tốt hơn nhiều so với ở đây. Nhưng có lẽ điều ấy không quan trọng bằng việc tôi rất khó di chuyển nó trên đường phố Sài Gòn thời điểm này”.
Là người khá thích bia, ông Marcel cảm thấy "đau khổ" với giá bia một vài nơi. Mức giá cao hơn nhiều so với ở quê khiến ông phải hạn chế sở thích này.
Ông Marcel là gương mặt quen thuộc trong giới chạy bộ ở TP.HCM. Câu lạc bộ Runclub của ông ngày càng thu hút người Việt tham gia tập luyện và thi đấu. Ảnh: NVCC |
20 năm trước, có rất ít người nước ngoài ở TP.HCM. Nhưng hiện tại, số lượng này tăng nhanh và không ngừng trong thời gian tới. “Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc nhưng họ không đủ năng lực, đặc biệt trong công việc giảng dạy. Có quá nhiều người nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở đây khiến sự cạnh tranh trong công việc cao hơn. Không chỉ với người nước ngoài, mà cả người Việt”, ông Marcel chia sẻ.
Gạt các vấn đề không thuận lợi qua một bên, ông Mike cho rằng bản thân sẽ tiếp tục sống ở TP.HCM 10 năm tiếp theo hoặc hơn thế nữa vì ông vô cùng yêu vùng đất này.
Bình luận (0)