TP.HCM đối diện gánh nặng giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
25/06/2024 20:50 GMT+7

Người lang thang xin ăn chuyên nghiệp, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều tại TP.HCM, trong khi chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để tình trạng này.

Chiều 25.6, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban ngành 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Tham luận tại hội nghị, bà Phạm Thị Thu Giang, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.1, cho biết Q.1 ở trung tâm thành phố, hằng ngày luôn có những hoạt động xã hội sôi động, lượng người đến làm việc, du lịch, mua bán với đa dạng các thành phần kinh tế, lễ hội. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Q.1 liên tục diễn ra các hội nghị, lễ hội. Nhất là khi khơi thông đường Lê Lợi thì tuần nào trên tuyến này cũng có sự kiện.

Tuy nhiên, cùng với đó Q.1 ghi nhận gia tăng số người lang thang xin ăn gồm nhiều lứa tuổi, từ nhiều địa phương khác đến, tập trung quanh các khu vực diễn ra sự kiện hay tại các giao lộ, công viên, trạm chờ xe buýt, gầm cầu... Đây cũng là gánh nặng mà địa phương phải đối diện để giải quyết.

TP.HCM đối diện gánh nặng giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Thu Giang phát biểu tham luận tại hội nghị giao ban ngành LĐ-TB-XH TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024

T.N

Thời gian qua, Q.1 đã triển khai những chương trình, kế hoạch, hoạt động để thực hiện công tác thu dung người lang thang xin ăn hiệu quả. Đơn cử như truyền thông cho người dân không trực tiếp cho tiền người lang thang xin ăn; không đi phát quà, đồ ăn cho người lang thang ngồi dọc đường vào ban đêm; hướng dẫn người dân giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức từ thiện; thành lập các tổ công tác, thường xuyên kiểm tra, xử lý người lang thang xin ăn để chuyển đến các cơ sở xã hội theo quy định.

Thống kê cho thấy nửa năm qua, Q.1 đã tập trung 449 người lang thang xin ăn, trong đó có 327 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, 92 người lang thang, 17 người tâm thần, 4 thiếu niên và 9 người Campuchia.

Tuy nhiên, Q.1 cho rằng hiện có tình trạng người lang thang xin ăn chuyên nghiệp, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong khi chưa có biện pháp nào mang tính căn cơ để giải quyết vấn đề.

Bà Giang dẫn chứng một trường hợp người mẹ dắt con đi xin ăn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ bị tổ công tác tập trung, xử lý rất nhiều lần. "Nhưng khi kiểm tra giấy tờ thì thấy họ có nơi tạm trú nên phải trả về. Sáng hôm sau ra thì lại thấy mẹ con này tiếp tục đi lang thang, xin ăn. Lực lượng của tổ công tác cũng mất sức với các trường hợp này", bà Giang nói.

TP.HCM đối diện gánh nặng giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn- Ảnh 2.

Người xin ăn ở Q.1, TP.HCM

NHẬT THỊNH

Do đó, theo Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.1, TP.HCM cần những chế tài mạnh mẽ hơn, bao gồm các biện pháp phát hiện, xử lý răn đe đối tượng chăn dắt trẻ em, người già, người khuyết tật. Đi kèm với đó là việc triển khai các giải pháp bền vững về an sinh xã hội như hỗ trợ hộ khó khăn, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn...

Cũng theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến ngày 5.5, các cơ sở hỗ trợ xã hội đã tiếp nhận ban đầu 800 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo Quyết định số 812 năm 2023 của UBND TP.HCM.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cũng thông tin rằng trong tháng 7, TP.HCM sẽ tổ chức sự kiện sơ kết việc thực hiện Quyết định 812. Qua đó sẽ có đánh giá cụ thể về các thuận lợi lẫn hạn chế mà các bên liên quan đang gặp phải để có giải pháp giải quyết vấn đề người lang thang xin ăn hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.