Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết TP sẽ áp dụng 5 biện pháp tăng cường, nâng cao để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị số 12 của Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP.HCM. Giải pháp trọng tâm là thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”.
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung chăm lo F0, điều trị người có triệu chứng, chuyển nặng, hạn chế tỷ lệ tử vong; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực “vùng đỏ trên bản đồ Covid-19”; đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân và cuối cùng là đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu; tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết về các công việc cụ thể, các sở ngành đang cố gắng hoàn thiện để trước ngày 23.8 có thông tin đầy đủ đến người dân. “Như thực hiện nghiêm giãn cách xã hội thì việc kiểm soát lưu thông trên đường phố ra sao, lực lượng nào kiểm soát; việc tổ chức cung ứng các hàng hóa thiết yếu đến người dân tại khu dân cư sẽ thực hiện ra sao; các trạm y tế lưu động sẽ triển khai thế nào; mở rộng điều trị, xét nghiệm, tập trung vắc xin…”, ông Khuê nêu.
Cùng ngày, Sở Nội vụ đề xuất UBND TP.HCM một số giải pháp cấp bách thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tháng cao điểm giãn cách xã hội, kéo dài đến ngày 15.9. Theo đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức) sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ bố trí công chức làm việc trực tiếp tại trụ sở để đảm bảo duy trì nhiệm vụ theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”. Sở Nội vụ đề xuất tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị; chỉ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và trả kết quả qua mạng hoặc dịch vụ bưu chính công ích.
Khi đi làm theo phương án “3 tại chỗ”, công chức phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của TP trong suốt quá trình di chuyển; nếu đi bằng ô tô thì dán thẻ đi đường tại vị trí kính trước bên trái ô tô để lực lượng tham gia phòng chống dịch có thể nhận diện. Đồng phục là loại áo khoác/áo bib có logo nhận diện theo hướng dẫn. Công an TP.HCM sẽ bố trí luồng di chuyển riêng đối với công chức khi được nhận diện từ xa, tránh ùn tắc tại các chốt kiểm soát và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như xử phạt các vi phạm để làm gương.
Bình luận (0)