Ngày 1.10, tại khu đất dòng họ của giáo sư Trần Văn Giàu (xã Dương Xuân Hội, H.Châu Thành, Long An), UBND tỉnh Long An tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu.
Theo ông Phạm Tấn Hòa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích cấp tỉnh, gồm nhà thờ họ Trần và khu mộ giáo sư cùng gia đình… với tổng diện tích gần 3.000 mét vuông. Tổng kinh phí xây dựng Nhà lưu niệm gần 8,6 tỉ đồng do ngân sách TP.HCM hỗ trợ cho tỉnh Long An. Công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2021.
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, khẳng định giáo sư - Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu là một học giả lớn, một nhân cách lớn; là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
|
Theo ban tổ chức, giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) quê ở H.Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1933, ông du học về nước, tham gia Xứ ủy Nam kỳ, xuất bản tờ báo Cờ Đỏ và bộ sách Cộng sản Tùng Thư. Suốt gần 7 năm trong tù đế quốc (1935-1941), ông vẫn bí mật soạn những tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Cuối năm 1941, ông cùng với nhiều đồng chí vượt ngục. Cuộc đào thoát thành công, ông trở lại hoạt động cách mạng tại Sài Gòn. Tháng 8.1945, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ, phát lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến.
Từ năm 1945 - 1954, ông là giảng viên triết học, Tổng giám đốc Nha Thông tin - Bộ Giáo dục, tham gia xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp. Tháng 11.1954, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường ĐH Văn khoa và ĐH Sư phạm… Năm học 1955 - 1956 ông được Nhà nước phong tặng hàm giáo sư đợt đầu tiên. Sau ngày giải phóng miền Nam, giáo sư Trần Văn Giàu về hưu, tiếp tục nghiên cứu tại TP.HCM và là người sáng lập Hội Khoa học lịch sử TP.HCM và Giải thưởng Trần Văn Giàu.
|
Ông Phạm Tấn Hòa khẳng định Nhà lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu sẽ là biểu tượng tốt đẹp cho sự gắn kết tình nghĩa giữa hai địa phương TP.HCM và Long An; đồng thời Long An sẽ tiếp tục đầu tư, sưu tập những di vật có liên quan đến cố giáo sư Trần Văn Giàu để trưng bài tại đây. Nơi đây sẽ là địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ, là điểm đến, nơi tổ chức những chuyến du khảo, tưởng niệm, tham quan, về nguồn và tìm hiểu thêm về người con ưu tú của đất Nam bộ.
Bình luận (0)