TP.HCM: Khó tìm được người đứng sau quảng cáo bán thuốc dỏm

Du Yên
Du Yên
14/06/2024 18:34 GMT+7

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc kiểm tra các cơ sở quảng cáo thuốc trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn khi khó xác định được công ty sở hữu, chủ tài khoản, người thực hiện quảng cáo…

Chiều 14.5, HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM.

Quản lý chồng chéo, khó xử phạt

Tại hội nghị, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong công tác quản lý và sử dụng thuốc năm 2023, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 261 cơ sở kinh doanh thuốc. Trong đó, có 117 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 3,2 tỉ đồng, 4 cơ sở bị đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, năm 2023, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 279 vụ vi phạm và thu giữ, tiêu hủy hơn 364.000 đơn vị sản phẩm dược, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng sai quy định.

TP.HCM: Khó tìm được người đứng sau quảng cáo bán thuốc dỏm- Ảnh 1.

Đoàn khảo sát của HĐND TP.HCM về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các bệnh viện

T.P

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc quản lý các nhà thuốc hoạt động kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng còn sự chồng chéo giữa Sở Y tế TP.HCM, Sở ATTP TP.HCM với các cơ quan quản lý. Trong đó, đặc biệt là quá trình thanh tra, kiểm tra khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng qua các trang mạng xã hội.

Do luật Dược vẫn chưa quy định về quản lý đối với hình thức kinh doanh dược trên mạng xã hội trong khi hình thức kinh doanh quảng cáo thuốc trên mạng ngày càng phổ biến. Do đó, quá trình thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn khi xử lý việc kinh doanh quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng qua mạng xã hội.

Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, đoàn thanh tra khó xác định được người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo như công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản, người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo.

TP.HCM: Khó tìm được người đứng sau quảng cáo bán thuốc dỏm- Ảnh 2.

Khó kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng bán trên mạng

D.Y

Bên cạnh đó, địa chỉ kinh doanh thường là địa điểm ảo, không có thật. Hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. 

Ngoài ra, khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.

Ngoài vấn đề kiểm tra, xử phạt các cơ sở kinh doanh, sản xuất vi phạm, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM vẫn chưa chủ động được nguồn dược liệu cung cấp cho y học cổ truyền và sản xuất công nghiệp dược, hiện vẫn còn phụ thuộc chính vào dược liệu nhập khẩu. Ngoài ra, việc gián đoạn nguồn cung ứng thuốc đã xảy ra vào một số thời điểm, đặc biệt là các thuốc hiếm, thuốc dùng trong phòng chống dịch bệnh, vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thêm thuốc BHYT ở trạm y tế phường xã

Tại hội nghị, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã thông tin về vấn đề cần đưa thêm thuốc về trạm y tế phường xã. Theo ông Bình, qua các buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đoàn thấy rằng các loại thuốc tại trạm y tế phường xã còn hạn chế nên người dân phải lên bệnh viện để khám và nhận thuốc. Nếu các loại thuốc đủ đáp ứng nhu cầu của người dân thì người dân không cần phải đi xa, bệnh viện tuyến trên cũng không quá tải.

Đại diện Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo giữa các cơ quan.

Ngoài ra, kiến nghị UBND TP.HCM cần đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được quy định trong pháp luật về luật Dược, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, các quy định trong quản lý thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, vấn đề thanh toán BHYT, bổ sung danh mục thuốc BHYT tại trạm Y tế, bổ sung hoạt chất mới được thanh toán BHYT…

Kết luận tại phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhận định TP.HCM cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng thuốc của người dân với chất lượng và giá cả phù hợp (hiện tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước ở các cơ sở khám chữa bệnh của TP.HCM đạt trên 50%).

TP.HCM thành lập Sở ATTP TP.HCM với trách nhiệm quản lý thực phẩm chức năng, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, dược liệu, thuốc đông y đã được triển khai thực hiện. Bước đầu hình thành các khoa Đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, góp phần đưa thuốc đông y vào chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, hiện còn tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, thuốc dùng trong phòng chống dịch bệnh, vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc tại một số đơn vị còn khó khăn vì nhu cầu ít, chưa tổ chức đấu thầu đối với dược liệu, nên việc thanh toán BHYT chỉ dừng lại ở thuốc đông y thành phẩm.

Bên cạnh đó, việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội hiện còn tràn lan, sai sự thật, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng; kiểm nghiệm thực phẩm chức năng có chứa dược liệu còn nhiều khó khăn; thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường…

Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị các sở, ngành phối hợp tốt với các địa phương khắc phục hiệu quả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM. Tập trung giải pháp, nguồn lực thực hiện có hiệu quả đề án "Phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.