TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT đánh giá kỹ kết quả dạy môn tích hợp bậc THCS

Bích Thanh
Bích Thanh
18/03/2023 16:35 GMT+7

Ngày 18.3, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

TP.HCM có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ khi thực hiện chương trình GDPT 2018  - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018

BÍCH THANH

Ngày 18.3, sau quá trình giám sát và làm việc với phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, Q.12, Gò Vấp, H.Cần Giờ, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số trường ngoài công lập, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có báo cáo với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá những ưu điểm và hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM.

Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp

Cụ thể, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chỉ ra rằng thành phố còn gặp hạn chế, khó khăn về đội ngũ giáo viên như chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn; các giáo viên được phân công giảng dạy những môn tổ hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử-địa lý) và hoạt động giáo dục mới (hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn do thầy cô chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải kiêm nhiệm môn mới nhưng chưa được đào tạo chính quy, trong khi thời gian tập huấn ngắn. Dù được quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nhưng nhiều giáo viên còn lúng túng khi được phân công dạy môn tích hợp.

Tỷ lệ phòng học/lớp chưa đáp ứng được đà tăng dân số, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu để tổ chức học 2 buổi/ngày cho những năm tiếp theo ở bậc tiểu học sẽ là khó khăn lớn của TP.HCM. Tình trạng sĩ số học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục còn cao so với quy định dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực đáp ứng mục tiêu chương trình GDPT 2018.

Một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực về dân nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Q.12 phần diện tích sân chơi nhỏ hẹp, thiếu phòng bộ môn, chức năng đặc biệt là phòng tin học do tất cả đều tập trung cho phòng học. Thiết bị dạy học chưa được trang bị đầy đủ, cụ thể là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình GDPT 2018.

Đội ngũ giáo viên của một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình. Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, số ứng viên thường thấp hơn chỉ tiêu, đôi khi không có giáo viên ứng tuyển dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật...

TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT đánh giá kỹ kết quả dạy môn tích hợp bậc THCS   - Ảnh 2.

P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM) chỉ có 1 trường THCS dù là phường có số dân đông nhất TP. Thiếu trường lớp là một trong những vấn đề nổi cộm khi thực hiện chương trình GDPT 2018

NHẬT THỊNH


Thiếu quỹ đất, giáo viên chậm đổi mới

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nguyên nhân của tồn tại nói trên do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi, bãi tập.

Một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Số lượng giáo viên được bổ sung hằng năm của nhà trường chưa đủ so với nhu cầu. Một số giáo viên chậm đổi mới, chưa tích cực tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn.

Một số học sinh chưa hình thành được năng lực: tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề..., chưa thực sự tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập do giáo viên chưa quan tâm hướng dẫn phương pháp học tập, chưa tổ chức hình thức học tập phù hợp để giúp học sinh chủ động, tự tin và một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con.

TP.HCM có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ khi thực hiện chương trình GDPT 2018  - Ảnh 2.

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc về việc thực hiện chương trình GDPT 2018 tại TP.HCM

BÍCH THANH

Những hạn chế nêu trên, đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành GD-ĐT TP.HCM đề ra những giải pháp quyết liệt và cụ thể để khắc phục, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị cần khắc phục việc phối hợp chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành như Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính trong việc bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, chế độ đối với đội ngũ khi thực hiện bồi dưỡng về chương trình, về dạy học 2 buổi/ngày, về cung cấp tài chính để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu dùng trong nhà trường...

Còn đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay sẽ triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, như: Tham gia tích cực vào công tác xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các văn bản pháp luật khác có liên quan góp phần đảm bảo đồng bộ, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế trong công tác giáo dục.

Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tăng cường phối hợp với HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức giám sát, khảo sát việc thực các hiện nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong những năm tới; tăng cường phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM thông qua hoạt động phản biện xã hội tổng hợp thông tin về tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá về những ảnh hưởng, tác động của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến đời sống người dân cũng như hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương; kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các nội dung có liên quan đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Năm 2024, lứa giáo viên tích hợp đầu tiên sẽ tốt nghiệp

Trong buổi làm việc, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở bậc THCS đang được thành phố triển khai theo tinh thần là cung cấp kiến thức khoa học cơ bản nhằm tạo nền tảng cho học sinh bậc THCS tiếp tục phân hóa chuyên sâu hơn ở bậc THPT.

Hiện nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đang phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn bồi dưỡng 100% giáo viên triển khai chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, vào năm 2024, lứa giáo viên tích hợp đầu tiên được đào tạo tại 2 trường trên sẽ tốt nghiệp. Đây là nguồn giáo viên lý tưởng đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các môn tích hợp nhưng số lượng đào tạo không nhiều. Vì vậy, TP.HCM sẽ sử dụng đội ngũ này làm nòng cốt để triển khai hiệu quả chương trình mới, song song với việc tiếp tục bồi dưỡng giáo viên các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý dạy môn tích hợp.

Đề xuất cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, tin học

Cũng trong buổi làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT và những bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 để Sở GD-ĐT có căn cứ đề nghị các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.

TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT đánh giá kỹ kết quả dạy môn tích hợp bậc THCS   - Ảnh 5.

Học sinh lớp 7 học môn tích hợp khoa học tự nhiên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xuất bản sách giáo khoa; Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ cần điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên 2 môn tiếng Anh, tin học, đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với ngành giáo dục tiểu học.

Đặc biệt, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị cần sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học chương trình GDPT 2018.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đề nghị Bộ GD-ĐT thường xuyên rà soát, tập hợp những phản ánh của các địa phương, cơ sở giáo dục về nội dung còn chưa hợp lý trong sách giáo khoa để định hướng bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu đánh giá kỹ kết quả việc triển khai dạy các môn tích hợp ở bậc THCS và có giải pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng dạy học những môn này. Cũng trong chương trình GDPT 2018, môn học giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nên được xây dựng thực chất hơn, tránh lý thuyết suông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.