TP.HCM kiến nghị thanh toán chi phí BHYT năm 2022 vượt tổng mức

Duy Tính
Duy Tính
28/02/2023 14:48 GMT+7

Ngày 27.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo cáo Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 144 ngày 5.11.2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).


Liên quan thanh toán chi phí KCB BHYT, theo Sở Y tế, mục 2 của Nghị quyết 144 cho phép quyết toán, thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) giám định theo quy định. Quy định trên đã giải quyết được việc thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2021.

Năm 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM vẫn diễn ra ở quý 1 và tình hình sức khỏe của người bệnh hậu Covid-19 là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc làm tăng chi phí KCB BHYT, nhưng lại không được xác định trong tổng mức thanh toán chi phí KCB năm 2022. Tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM vượt tổng mức thanh toán năm 2022 là 327 tỉ đồng.

Cùng với đó, hầu hết các cơ sở KCB công lập trên địa bàn TP đều được giao tự chủ tài chính đang gặp khó khăn về nguồn thu do giá KCB chưa được tính đúng, tính đủ chi phí. Mặt khác, năm 2022, tất cả cơ sở KCB đều phải tiếp tục phòng, chống dịch bệnh và nỗ lực phục hồi hoạt động KCB, một số cơ sở không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Điều này dẫn đến nhân viên y tế xin nghỉ việc ngày càng nhiều. Nếu thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2022 dựa vào tổng mức thanh toán thì các cơ sở KCB đã khó khăn nay lại khó khăn hơn.

Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị tiếp tục cho phép quyết toán, thanh toán chi phí KCB năm 2022 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan BHXH giám định theo quy định. Triển khai áp dụng thanh toán chi phí KCB theo đa phương thức (khoán định suất đối với khám, điều trị ngoại trú; thanh toán theo nhóm bệnh (DRG) đối với các bệnh phổ biến; thanh toán thực chi đối với các bệnh nặng, phức tạp).

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, các cơ sở y tế thuộc TP.HCM vẫn đang phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện xét nghiệm trên máy đặt theo kết quả trúng thầu sau ngày 5.11.2022 nên chưa xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị (vật tư y tế, hóa chất, máy móc), không làm gián đoạn hoạt động KCB. Nhưng nếu khó khăn, vướng mắc không được điều chỉnh, giải quyết (thanh toán chi phí với những hợp đồng thầu ký sau ngày 5.11.2022) thì sắp tới (khoảng 2 - 3 tháng), tình trạng thiếu trang thiết bị sẽ xảy ra. Sở Y tế kiến nghị xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của luật đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.