TP.HCM lên kế hoạch phát triển 68 ha công viên

Đình Sơn
Đình Sơn
04/05/2024 06:08 GMT+7

Việc UBND TP.HCM ban hành kế hoạch phát triển 68 ha công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2025 cũng làm "dịu mát" tâm lý của người dân trên địa bàn trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục kéo dài.

Quá thiếu cây xanh

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang quá thiếu không gian xanh. Tỷ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55 m2/người, trong khi Hà Nội 2,06 m2/người, Đà Nẵng 2,4 m2/người, và Hải Phòng khoảng 3,41 m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15 m2/người (theo TCVN 9257:2012).

Bộ Xây dựng cũng cho hay dù quy chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu diện tích đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu phải đạt từ 4 - 7 m2/người, nhưng tỷ lệ thực tế ở các đô thị chỉ đáp ứng một phần quy chuẩn.

Với TP.HCM, diện tích công viên công cộng nằm trong quy hoạch lên đến 11.400 ha, chỉ tiêu bình quân 7 m2 mỗi người dân. Tuy nhiên, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên chỉ hơn 500 ha, tương ứng khoảng 0,55 m2 mỗi người, bằng 1/16 lần so với Singapore (8 m2 công viên, cây xanh cho mỗi người).

TP.HCM lên kế hoạch phát triển 68 ha công viên- Ảnh 1.

Trên nhiều tuyến đường cây xanh gần như không có

Đình Sơn

Tốc độ phát triển chỉ 1,54 ha diện tích công viên mỗi năm như hiện nay, TP sẽ mất nhiều thời gian để phủ xanh hàng nghìn ha đất quy hoạch công viên còn lại.

Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng thiếu cây xanh đang diễn ra nghiêm trọng ở TP.HCM, ngay cả ở những khu đô thị mới xây dựng. Chẳng hạn khu đô thị mới Thủ Thiêm, dù mới được quy hoạch, mới được xây dựng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, cây xanh thưa thớt trên các con đường, trong khi nơi đây chưa có một công viên cây xanh lớn nào được xây dựng. Mới đây, hơn 1.300 cây xanh trên đường Mai Chí Thọ còn bị đốn hạ, di dời để thi công 2 công trình giao thông khu vực này.

Ngay tại khu trung tâm TP, nơi được đầu tư khá tốt cho cảnh quan, mảng xanh nhưng giờ đây cây xanh trồng mới chưa đủ bù được số cây xanh bị đốn hạ. Từng được mệnh danh là "con đường rợp bóng mát" của TP với hàng trăm cây cổ thụ, nhưng sau đó bị đốn hạ để làm cầu Ba Son nên giờ đây đường Tôn Đức Thắng (Q.1) trở nên trơ trụi, trở thành "lò nung". Cách đó không xa, đường Lê Lợi cũng bị đốn hạ gần hết cây xanh để phục vụ thi công tuyến metro số 1. Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất giải pháp chi 20 - 30 tỉ đồng để lắp mái che dọc vỉa hè nhưng đã nhận lại nhiều ý kiến trái chiều. Công viên 23 Tháng 9 cũng bị đốn hạ khá nhiều cây xanh để phục vụ dự án metro số 1. Tương tự, tại công viên Bến Bạch Đằng (Q.1), trước đây cũng có nhiều cây xanh nhưng sau khi triển khai dự án chỉnh trang mở rộng lên 18.600 m2 thì cây xanh theo đó cũng "mất tích".

Tại các quận, huyện vùng ven, tình trạng thiếu mảng xanh cũng trầm trọng. Đơn cử Q.Bình Tân là quận đông dân bậc nhất TP.HCM, với gần 800.000 dân nhưng không có công viên công cộng lớn nào. Hiện quận này đang "xài ké" công viên Phú Lâm của Q.6. Trong khi đó, các công viên hiện có ở Q.Bình Tân chỉ vừa và nhỏ, rộng từ 1.000 - 10.000 m2 đều của doanh nghiệp xây phục vụ dự án nhà ở, chung cư. Trên hầu hết các tuyến đường của Q.Bình Tân gần như vắng bóng cây xanh, nếu có cũng thưa thớt và "còi cọc". Tình trạng này cũng tương tự tại hầu hết các quận, huyện của TP.HCM khi không có công viên công cộng diện tích lớn phục vụ người dân.

Cần sự quyết tâm và kỷ luật "sắt"

Kiến trúc sư Trần Tuấn nhận xét: Hiện tổng diện tích cây xanh của TP.HCM so với yêu cầu chỉ đạt 8% trong khi hiện tượng bê tông hóa, nhà cao tầng, phương tiện giao thông ngày càng dày đặc. Đây là lý do khiến chỉ số AQI (Air Quality Index - chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày) trung bình tại TP.HCM có khi lên đến 177, gần đạt tới ngưỡng màu tím - mức nguy hại cho sức khỏe.

Ngay cả khu đô thị mới Thủ Thiêm dù được quy hoạch, xây dựng bài bản nhưng cây xanh vẫn thiếu

Ngay cả khu đô thị mới Thủ Thiêm dù được quy hoạch, xây dựng bài bản nhưng cây xanh vẫn thiếu

Đình Sơn

"Do tấc đất tấc vàng, nên có tâm lý không muốn dành nhiều đất để làm công viên. Ngoài ra, trong quy hoạch có dành nhiều ô đất làm công viên, nhưng bây giờ tiền để giải tỏa, bồi thường thì lại không có. Doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này nên công trình xây dựng thì cứ phát triển, người chuyển đến TP sinh sống và làm việc ngày càng tăng, trong khi cây xanh thì ngày càng ít. Vì thế, việc TP ban hành kế hoạch xây dựng công viên cây xanh là điều đáng mừng. Tuy nhiên để biến kế hoạch thành hành động, thành những công trình cây xanh thực thụ thì cần phải có sự quyết tâm, cương quyết và kỷ luật "sắt" của chính quyền TP ngay thời điểm này", kiến trúc sư Trần Tuấn nói.

Để bù đắp lượng cây xanh bị đốn hạ phục vụ cho các dự án hạ tầng và trồng thêm cây xanh, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng cần khuyến khích người dân trồng cây, bất cứ loại nào phù hợp hoàn cảnh, kiến trúc, sở thích. Như vậy, diện tích cây xanh sẽ tăng đáng kể. Để làm việc này, nhà nước cần cung cấp cây trồng, tưới nước tự động để tiết kiệm nước, tổ chức bình chọn vinh danh các gia đình trồng nhiều cây xanh. Hiện nay ở các khu đô thị mới, công tác quản lý cây xanh có quy chuẩn, quy phạm ràng buộc. Còn ở khu dân cư hiện trạng, nhất là vùng ven, với không gian eo hẹp, cần phải nghiên cứu tìm loại cây phù hợp để giảm bức xạ trên các tuyến đường. Đối với đô thị hiện có, do vỉa hè bị thu hẹp, cần nghiên cứu loại cây trồng thân thẳng, lá cành trên cao tự nhiên hoặc định kỳ cắt tỉa, không che chắn ánh đèn, camera, tầm nhìn. Tuy nhiên, chính quyền TP vẫn phải là đơn vị đi đầu trong việc chỉ đạo, điều hành những đơn vị có trách nhiệm, các địa phương phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng công viên, trồng cây xanh theo quy hoạch đã được duyệt.

"Trước mắt từ đây đến năm 2025, TP phải hoàn thành kế hoạch đề ra là phát triển tối thiểu 68 ha công viên công cộng, phát triển tối thiểu 4 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 12.000 cây xanh. Nếu làm được điều này, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của TP", kiến trúc sư Khương Văn Mười nhấn mạnh.

Ngoài việc phát triển 68 ha công viên công cộng, trong kế hoạch lần này, TP.HCM cũng đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Một là, phát triển công viên, mảng xanh: đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh công cộng, trong các dự án phát triển nhà ở; rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng.

Hai là, xây dựng kế hoạch chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; trồng mới và cải tạo cây xanh đô thị.

Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công viên, cây xanh bằng việc lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng tập trung; quy trình, định mức công tác quản lý, chăm sóc công viên, mảng xanh theo cấp độ…

Bốn là, nghiên cứu, hợp tác phát triển thông qua việc phối hợp cùng các đơn vị trong và ngoài nước để phát triển lĩnh vực công viên cây xanh TP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.