Chiều 10.12, tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trình bày đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Đề án này cập nhật các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ GTVT cũng như thống nhất với TP.Hà Nội.
Theo đó, TP.HCM cân đối lại mục tiêu phân kỳ đến năm 2035 nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại, văn minh trong tương lai.
Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Đến năm 2045, địa phương xây dựng hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510 km; đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Như vậy, mục tiêu đề ra lần này có sự tăng cao so với mục tiêu đã trình, thay vì phải thực hiện 3 giai đoạn (đến năm 2060) thì rút ngắn còn 2 giai đoạn (đến năm 2045) sẽ hoàn thành 510 km.
Về tổng mức đầu tư sơ bộ, đề án trước dự kiến cần 37,2 tỉ USD để thực hiện 6 tuyến vào năm 2035, còn đề án mới cần 40,2 tỉ USD để thực hiện 7 tuyến.
Trên cơ sở quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, công nghệ dự kiến lựa chọn, suất vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí khác có liên quan, đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,21 tỉ USD.
Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 6,1 tỉ USD; chi phí xây dựng hơn 17,6 tỉ USD; chi phí thiết bị và phương tiện hơn 7 tỉ USD; chi phí quản lý dự án hơn 3,8 tỉ USD; chi phí dự phòng hơn 5,5 tỉ USD.
Phát triển đô thị, thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Để thực hiện mục tiêu trên, trong giai đoạn 2025 - 2027 phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; giai đoạn năm 2027 - 2028 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Dự kiến, dự án khởi công từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028 thì mới có thể hoàn thành 355 km vào năm 2035.
Trong giai đoạn 2036 - 2045, TP.HCM dự kiến cần khoảng 26,7 tỉ USD để hoàn thành 155 km còn lại, địa phương không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Song song đó, UBND TP.HCM đề xuất 30 chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 13 chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.
Bình luận (0)