Theo Sở Y tế TP.HCM, người dân TP mắc các bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, bị chấn thương, gặp nhiều khó khăn khi đi khám chữa bệnh vì cơ sở hạ tầng của các bệnh viện chuyên khoa xuống cấp, quá tải. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở y tế của TP.Thủ Đức chưa xứng tầm mô hình phát triển TP trong TP.
Bệnh viện chấn thương chỉnh hình đầu ngành xuống cấp trầm trọng
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình xây dựng từ năm 1971 nên đã xuống cấp. Từ 100 giường bệnh lúc mới hoạt động, đến nay tăng lên 600 giường, phải kê thêm ra hành lang.
Đây là chuyên khoa tuyến cuối về chấn thương chỉnh hình, rất nhiều kỹ thuật mới cần được triển khai. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng xuống cấp, quá tải bệnh nhân, bệnh viện này gặp rất nhiều khó khăn.
Nguy cơ cháy nổ đe dọa bệnh nhân, nhân viên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình |
CTV |
Bệnh viện nằm kế cận khu ký túc xá của Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (nằm giữa bệnh viện) xuống cấp, nhiều lần bị cháy, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh và nhân viên y tế. Từ hơn 10 năm qua, bệnh viện được UBND TP cho triển khai xây dựng mới theo dự án BT (xây dựng, chuyển giao) nhưng chưa có dấu hiệu khả quan.
Sở Y tế TP kiến nghị UBND TP ưu tiên giải quyết các khó khăn về cơ sở hạ tầng của bệnh viện, ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, cho phép chuyển địa điểm dự án xây dựng mới tại khu 6A, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh về địa điểm lô III-27 khu Tân Tạo - Chợ Đệm, TT.Tân Túc (H.Bình Chánh), diện tích khoảng 5 - 6 ha, quy mô 500 giường, nguồn vốn ngân sách TP. Kiến nghị UBND TP chỉ đạo giao nhà đất số 201 Phạm Viết Chính (cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu huyết học) tạm làm cơ sở 2 của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hiện hữu.
Bệnh viện tâm thần chỉ có 300 giường ở 3 cơ sở xuống cấp
Bệnh viện Tâm thần có 3 cơ sở với tổng quy mô 300 giường. Trong đó, 766 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5 là cơ sở chính với 50 giường nội trú trên diện tích chật hẹp (1.700 m2). Cơ sở thứ 2 tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh có quy mô 250 giường nội trú, chỉ được thiết kế cho hoạt động điều trị nội trú. Cơ sở thứ 3 là khoa Khám trẻ em - Bệnh viện ban ngày ở 165B Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, với chức năng khám và điều trị các bệnh tâm thần ngoại trú cho trẻ em.
Cơ sở chính của Bệnh viện Tâm thần quá chật hẹp |
DUY TÍNH |
Theo định hướng phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiêu chuẩn trung bình trên toàn quốc là 12 giường/100.000 dân. TP.HCM có 10 triệu dân, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cần khoảng ít nhất 1.200 giường. Bệnh viện Tâm thần chỉ có 300 giường nhưng phân bố ở 3 địa điểm với cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, ảnh hưởng trầm trọng đến công tác điều trị.
Sở Y tế TP kiến nghị cho phép triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường với 1 trong 2 phương án. Thứ nhất, mở rộng cơ sở Lê Minh Xuân của Bệnh viện Tâm thần hiện hữu, quy mô từ 250 giường lên 1.000 giường. Theo đó, cần bổ sung diện tích đất từ 2,2 ha lên 5 - 10 ha. Thứ hai, triển khai dự án xây dựng mới Bệnh viện Tâm thần quy mô 1.000 giường bệnh với diện tích 5 - 10 ha tại H.Bình Chánh. Khi đó, cơ sở chính tại 766 Võ Văn Kiệt bàn giao lại cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Dự án khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới “đứng hình” nhiều năm
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối chuyển thu dung cách ly điều trị các bệnh lây nhiễm, kể cả các bệnh mới nổi. Khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu của bệnh viện này xuống cấp và có quy mô không tương xứng với tầm phát triển của bệnh viện chuyên khoa nhiễm đầu ngành.
Từ năm 2011, UBND TP chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối khoa Khám bệnh. Đến năm 2016, dự án được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư công và đã được ghi vẫn chuẩn bị đầu tư.
Khu khám bệnh xập xệ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới |
DUY TÍNH |
Tuy nhiên, sau đó, Sở GT-VT và Sở QH-KT đề xuất mở đường Cao Đạt (nối dài) đi ngang qua khuôn viên bệnh viện. Sau nhiều lần, ngành y tế có ý kiến không đồng ý về dự án này, UBND Q.5 đã kiến nghị Sở QH-KT xem xét, trình UBND TP chấp thuận phê duyệt, điều chỉnh cục bộ Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường 1, 3, 4 của Q.5 theo đúng yêu cầu của ngành y tế.
Sở Y tế kiến nghị sớm phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu đất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để sớm khởi công xây dự án xây dựng mới khoa Khám bệnh của bệnh viện (đã được HĐND TP thông qua).
Hệ thống y tế TP.Thủ Đức chưa xứng tầm
Hệ thống các bệnh viện trên địa bàn TP.Thủ Đức (Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt và Bệnh viện Lê Văn Thịnh) chưa xứng tầm mô hình phát triển TP trong TP.
Theo Sở Y tế TP, hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện TP.Thủ Đức (quy mô 800 giường) tiếp nhận từ 5.000 - 6.000 bệnh nhân. Bệnh viện Lê Văn Việt (quy mô 100 giường) tiếp nhận từ 700 - 800 bệnh nhân, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (quy mô 500 giường) tiếp nhận từ 3.200 - 3.400 bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân nội trú nằm ghép đôi, ghép ba hoặc nằm hành lang thường xuyên xảy ra.
Việc xây dựng dự án mở rộng, tăng quy mô giường bệnh (mỗi bệnh viện 1.000 giường) là rất cần thiết, cấp bách.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang cần mở rộng để phục vụ bệnh nhân |
DUY TÍNH |
Bên cạnh đó, P.An Lợi Đông và P.Thủ Thiêm chưa có trạm y tế. Do Trung tâm Cấp cứu 115 của TP sắp tới sẽ nằm trên địa bàn H.Bình Chánh, do đó cần mở cơ sở 2 tại TP.Thủ Đức để cấp cứu cho người dân trên địa bàn. Sở Y tế kiến nghị ưu tiên bố trí quỹ đất để mở rộng quy mô các bệnh viện, xây dựng mới 2 trạm y tế phường và xây dựng cơ sở 2 của Trung tâm cấp cứu 115 đặt trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Đề xuất bổ sung quỹ đất để mở rộng Bệnh viện Thủ Đức lên khoảng 2,25 ha. Bao gồm: khu đất A (18.908 m2) hiện thuộc đất của Trung tâm điều dưỡng tâm thần; khu đất B (1.146 m2) thuộc Trường THPT Tam Phú (liền kề phần đất hiện hữu của bệnh viện); khu đất C (1.422,8 m2) thuộc Bệnh viện TP.Thủ Đức; khu đất D (962,78 m2) thuộc Trạm cấp nước Tam Phú 1.
Đề xuất bổ sung quỹ đất để mở rộng Bệnh viện Lê Văn Việt lên quy mô 1.000 giường tại khu đất tiếp giáp đường Nguyễn Xiển và đường số 9, diện tích 16,15 ha. Đề xuất bổ sung quỹ đất để mở rộng diện tích Bệnh viện Lê Văn Thịnh lên quy mô 1.000 giường tại khu đất liền kề của bệnh viện...
Bình luận (0)