TP.HCM phát triển đô thị đa trung tâm theo cơ chế mới

01/09/2023 06:51 GMT+7

Ngày 31.8, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở TT-TT TP.HCM và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023" sau 1 tháng kể từ ngày nghị quyết về các cơ chế đặc thù cho TP.HCM có hiệu lực.

Các ý kiến tại tọa đàm đánh giá cao sự chủ động, chuẩn bị triển khai từng cơ chế đặc thù cụ thể của TP.HCM. TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nhấn mạnh nghị quyết này tạo công cụ pháp lý để gỡ 2 điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng. Dù vậy, TP.HCM cần sớm tạo khung pháp lý để vận hành, tạo sự an tâm và xóa đi tâm lý sợ sai khi làm ở đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền.

TP.HCM phát triển đô thị đa trung tâm theo cơ chế mới - Ảnh 1.

TP.HCM rà soát có khoảng 10.000 ha phát triển đô thị dọc các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, vành đai

Sỹ Đông

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khuyến nghị TP.HCM cần chọn khâu đột phá, bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ thì cần chú trọng đến đường sắt, đường thủy, hàng không để kéo giảm chi phí logistics. Ở lĩnh vực đô thị, TP.HCM cần phát triển bất động sản nhà ở song song với bất động sản công nghiệp, trong đó mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) sẽ là cơ hội tốt để phát triển.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, qua rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì có khoảng 10.000 ha có thể phát triển đô thị, trong đó có nhiều khu đất công. Quỹ đất này khai thác tốt sẽ tạo thành nguồn lực để đầu tư công trình, dự án khác. Ông Mãi cũng đánh giá mô hình TOD là cơ sở để TP.HCM phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm từng đưa ra trước đây nhưng chưa có nguồn lực thực hiện. "Khu đô thị Phú Mỹ Hưng như một đô thị vệ tinh nhưng đi vào trung tâm thành phố mất 45 phút, đến sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 1 giờ nên các đô thị như vậy không phát huy được tác dụng", ông Mãi nhìn nhận.

Đối với hệ thống metro, đến nay, TP.HCM mới hoàn thành được tuyến metro số 1 dài khoảng 20 km. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 200 km còn lại nên cần nguồn lực rất lớn và mô hình tổ chức riêng. Lãnh đạo TP.HCM nhận định các cơ chế vượt trội sẽ tạo nền tảng giúp kinh tế TP.HCM bứt tốc và tăng trưởng ở mức 2 con số sau năm 2025.

Về công tác cán bộ, ông Mãi cho hay, Sở Nội vụ đang xây dựng đề án nền công vụ TP.HCM hiệu lực, hiệu quả tập trung vào 5 nội dung, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, chế độ chính sách, quy trình làm việc. Việc tuyển chọn sẽ có điểm riêng để thu hút người giỏi chuyên môn, có tâm huyết cống hiến, xây dựng, phát triển thành phố. Các chính sách mới giúp công chức, viên chức đủ sống và yên tâm công tác, phục vụ.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng ngoài cơ chế chính sách được quy định tại Nghị quyết 98, Quốc hội cũng có điều khoản trong quá trình triển khai, trường hợp cần những ưu đãi đặc biệt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì Chính phủ báo cáo Quốc hội. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP.HCM lập quy hoạch của thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam bộ một cách đồng bộ, thể hiện TP.HCM là trung tâm, đầu tàu của cả vùng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.