TP.HCM quản lý các cơ sở hỗ trợ xã hội thế nào?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
03/06/2023 07:49 GMT+7

TP.HCM đang có 73 cơ sở hỗ trợ xã hội công lập và ngoài công lập với tổng số đối tượng hỗ trợ xã hội hơn 9.200 người, chủ yếu là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.

58 cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho hay hiện nay Sở LĐ-TB-XH TP.HCM quản lý 15 cơ sở hỗ trợ xã hội công lập; tiếp nhận, quản lý 6.196 đối tượng hỗ trợ xã hội, trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi là 808 người; người cao tuổi là 1.653 người; người khuyết tật đặc biệt nặng là 4.103 người.

Thực hiện chính sách xã hội hóa trong việc hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng hỗ trợ có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng, tính tới hiện nay, các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo tại TP.HCM đã tham gia thành lập 58 cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập.

Trong đó có 18 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp thành phố, 40 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý cấp quận, huyện, TP.Thủ Đức. Tổng số người đang được nuôi dưỡng, chăm sóc là 3.019 người (nữ chiếm 1.493 người), trong đó có 878 người cao tuổi, 196 người khuyết tật, 1.470 trẻ em.

Việc quản lý các cơ sở hỗ trợ xã hội được thực hiện theo Nghị định 103/2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở hỗ trợ xã hội.

TP.HCM đang quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội thế nào ? - Ảnh 1.

TP.HCM có 15 cơ sở hỗ trợ xã hội công lập và 58 cơ sở ngoài công lập

LÊ HUỲNH

Các cơ sở hỗ trợ xã hội "chưa hoạt động đúng quy định" ở điểm nào?

Ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh rằng cho tới nay, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chưa ghi nhận thông tin khó khăn, vướng mắc từ các địa phương về công tác quản lý các đối tượng hỗ trợ xã hội và các cơ sở hỗ trợ xã hội.

Đồng thời, chưa ghi nhận thông tin khó khăn, vướng mắc từ các cơ sở hỗ trợ xã hội về việc xin giấy phép hoạt động.

TP.HCM đang quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội thế nào ? - Ảnh 2.

Mái ấm Quán trọ Trăng Khuyết và nhiều mái ấm khác của Công ty TNHH MTV Quỹ từ thiện và bảo trợ xã hội Trăng Khuyết chưa hoạt động đúng quy định

TRẦN KHA

Hiện nay, các cơ sở bảo trợ xã hội chưa đảm bảo quy định pháp luật gồm các trường hợp như thiếu giấy phép hoạt động cơ sở; kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng người được bảo trợ chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, có cơ sở chưa đảm bảo cơ sở vật chất và nhân lực như: chưa đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện; chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu về diện tích phòng ở; chưa có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của nhân viên; nhân viên khi tuyển dụng chưa có kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; chưa đạt tiêu chuẩn về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí...

Sẽ rà soát, chấn chỉnh nơi buông lỏng quản lý

Trước thực trạng này và gần đây nhất liên quan vụ cụ bà 85 tuổi bị đánh ở cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập - Quán trọ Trăng Khuyết, ông Lê Văn Thinh cho biết, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã chỉ đạo phòng chuyên môn của đơn vị, phối hợp các địa phương, đề nghị rà soát, chấn chỉnh kịp thời các công ty, doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ xã hội và các cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập hoạt động chưa hiệu quả, buông lỏng.

Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật.

Các đơn vị chức năng cũng nhấn mạnh việc hướng dẫn các công ty, doanh nghiệp hoạt động hỗ trợ xã hội, các cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập đảm bảo giấy phép hoạt động cũng như các quy định về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở hỗ trợ xã hội ngoài công lập đang trú đóng trên địa bàn.

Nếu thấy người lang thang, người xin ăn thì cần làm gì?

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, nếu người dân thấy một người lang thang, cơ nhỡ đang xin ăn ngoài đường thì cần liên hệ đến chính quyền địa phương nơi phát hiện.

Người dân có thể liên hệ đường dây nóng 02838292491 (theo giờ hành chính) hoặc số điện thoại hoạt động 24/24 của Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM: 02835533258 để cung cấp thông tin...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.