Rác bay từ muôn phía...
Theo ghi nhận của
Thanh Niên, dọc một số tuyến đường ở TP.HCM như: Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1), Trường Sa (Q.3), Thủ Thiêm (Q.2)... cảnh tượng
rác bay tứ tung trên khắp các vỉa hè, miệng cống, bồn cây... đã khiến cho một số tuyến đường trung tâm trở nên vô cùng nhếch nhác.
Sáng 11.5, chúng tôi ghi nhận tại một đoạn kênh ngay cầu Đinh Bộ Lĩnh (P.24, Q.Bình Thạnh) trông vô cùng "thê thảm" cùng mùi hôi bốc lên nồng nặc. Những vỏ chai nhựa, thùng xốp, túi ni lông… nằm ngổn ngang phủ kín mặt kênh, những chỗ rác trôi dạt vào bờ đã lộ rõ dòng kênh đen ngòm và nhếch nhác.
Lối đi dưới chân cầu Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) đầy rác
|
Chị P. (31 tuổi, sống trên đường Đinh Bộ Lĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh) cho biết kênh rác này đã tồn tại nhiều năm nay, người này thấy người khác ném rác xuống kênh cũng thản nhiên ném theo. Nhiều người cũng bức xúc vì hằng ngày phải hứng trọn mùi hôi thối gây ảnh hưởng
sức khỏe mà nhắc nhở thì cũng không thay đổi được gì.
“Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền mấy năm nay nhưng vẫn chưa thấy có giải pháp dứt điểm. Cũng từng có trường hợp bị chính quyền phạt tiền do vứt rác bừa bãi, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Mùa nắng thì bốc mùi hôi thối, mùa mưa thì nước dưới kênh tràn vào nhà rất mất vệ sinh”, chị P. chia sẻ.
Dọc theo dưới chân cầu Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), rác bủa vây dưới những gốc cây xanh. Do đây là khu vực không có nhà dân sinh sống nên quang cảnh vô cùng vắng vẻ, nay có thêm phần nhếch nhác vì "rác bay từ muôn phía" .
Dưới chân cầu Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), rác dạt vào góc đường gây mất mỹ quan đô thị
|
Còn tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) mặc dù những bồn cây xanh được chăm sóc, tỉa cành trông đẹp mắt, nhưng ngay lập tức đập vào mắt người đi đường chính là những túi ni lông, hộp xốp… nằm lăn lốc dưới gốc cây do
người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi sau khi ăn uống.
Nhiều người có thói quen "ngồi đâu bỏ đó" làm cho một số nơi vốn sạch sẽ, khang trang trở nên nhếch nhác
|
Tại một số tuyến đường trung tâm, việc người dân xả rác bừa bãi cũng được coi là nguyên nhân lớn dẫn đến nghẽn đường nước chảy chính, gây tắc cống, khiến
TP.HCM ngập nặng.
Người dân đổ rác ngay miệng hố thoát nước... dễ gây tắc nghẽn đường thoát dẫn đến ngập úng, ghi nhận tại đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
|
Tương tự, đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), theo chia sẻ của người dân, việc gom rác thải để lên trên bồn cây xanh trước cửa nhà vào tầm 10 giờ 30 hằng ngày được xem là điều hiển nhiên đối với những hàng quán tại khu vực này.
Những túi rác bị vứt vô tội vạ trên bồn cây xanh gây ô nhiễm môi trường
|
Mặc dù, người dân để rác ngay đường lớn cho tiện việc gom rác nhưng việc biến gốc cây, bãi cỏ thành nơi tập trung rác là điều không thể chấp nhận được.
Những túi rác lộ thiên chờ được thu gom
|
“Thông thường rác được thu 2 - 3 cữ/ngày nhưng đột xuất có khi 2 ngày rác mới được gom một lần. Bây giờ mấy hàng quán lân cận ai cũng đem rác ra bồn cây xanh tập kết, muốn nhắc chắc phải gõ cửa từng nhà”, một người dân bức xúc.
Rác vào cả... công viên!
Mặc dù công viên là nơi thư giãn, tập thể dục rèn luyện sức khỏe... nhưng nhiều nhóm người vẫn vô tư tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt.
Những vỏ lon bia, ly nhựa được vứt ra bãi cỏ trong công viên mặc cho thùng rác nằm cách đó không xa, ghi nhận tại công viên Tao Đàn (P.Bến Thành, Q.1).
Nhóm người tổ chức ăn uống ở công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM)
|
Tại khu C Công viên 23.9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) có bãi xe buýt công cộng hoạt động, nên tập trung đông khách và nhiều xe bán hàng rong. Vì vậy nơi đây thường xuyên không tránh khỏi cảnh rác thải bị vứt bừa bãi sau khi những chiếc xe hàng rong này rời đi.
Tại các quán nước vỉa hè sát công viên 23.9, là điểm dừng chân ưa thích của các tài xế xe ôm
công nghệ.
Và những chiếc ly, vỏ chai nhựa bị bỏ lại trên ghế đá một cách vô tội vạ là một trong những hình ảnh quen thuộc của nơi này.
Ly nhựa bị gió thổi ra lề đường tại công viên Tao Đàn
|
Hoàng Anh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết cần phải có biện pháp nhắc nhở đối với việc tụ tập đông người tổ chức ăn uống trong công viên, vì chuyện không ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng khiến nơi đây trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.
Người dân vứt rác ngoài đường mặc dù có thùng rác ngay bên cạnh
|
Liên quan đến vấn đề này, Sở TN-MT TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM áp dụng hình thức
“phạt nguội” qua hình ảnh được trích xuất từ hệ thống camera quan sát đối với người vứt rác, tiểu tiện tái phạm, vi phạm nhiều lần. Do hành vi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm nơi công cộng có đặc thù xảy ra nhanh, tức thời và khó bắt quả tang.
Căn cứ Nghị định 155/2016 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường. Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt 5 - 7 triệu đồng.
TP.HCM: Không xả rác ra đường!
Thực hiện Chỉ thị 19 về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tiếp tục vận động hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Chủ tịch UBND các quận huyện cần giám sát, đánh giá, công nhận khu phố, ấp, phường, xã không xả rác ra đường như một tiêu chí về môi trường trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, gắn cuộc vận động với đề án Đô thị thông minh để triển khai cho người dân TP.HCM hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến của người dân qua tin nhắn, chụp hình, thư điện tử và điện thoại về tình trạng xả rác.
|
Bình luận (0)