TP.HCM sắp ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công

28/09/2024 06:14 GMT+7

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM dự kiến hoạt động từ ngày 1.10 và theo lộ trình 3 giai đoạn.

Sáng 27.9, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP.HCM thông qua đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM.

Chuyên nghiệp hóa khâu tiếp nhận hồ sơ

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.HCM, tương đương cấp sở, có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

A1.jpg

Người dân nộp hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa UBND Q.6, TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Trung tâm xác lập nguyên tắc hoạt động lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ. Đặc biệt, mô hình này hướng đến mục tiêu tiếp nhận hồ sơ "phi địa giới hành chính" giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Dự kiến, trung tâm hoạt động từ ngày 1.10 và theo lộ trình 3 giai đoạn. Từ nay đến hết năm 2024, người dân vẫn sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của sở, quận, huyện, phường, xã, thị trấn như cũ. Giai đoạn 2, từ tháng 1.2025, trung tâm tiếp nhận hồ sơ tại chi nhánh trung tâm, 22 chi nhánh quận, huyện, TP.Thủ Đức, 18 điểm tiếp nhận cấp sở và 312 điểm cấp xã. Đến năm 2026, bộ máy của trung tâm được tinh gọn, tiếp nhận và trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, không thuộc cấp hành chính.

Một trong những mục tiêu mà TP.HCM đề ra khi trung tâm hoạt động là tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Cụ thể, năm 2025, năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 1 nhân sự trực tại bộ phận một cửa tối thiểu 1.800 hồ sơ/năm, giảm thời gian chờ đợi khi nộp hồ sơ xuống còn tối đa 15 phút, còn thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối đa 30 phút.

Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, đề nghị UBND TP.HCM quan tâm rà soát, đảm bảo bố trí công chức, viên chức làm việc tại trung tâm theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; bố trí nhân sự theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiệu quả, đa ngành, đa lĩnh vực. Đối với Trung tâm Hành chính công TP.Thủ Đức, bà Quỳnh Anh đề nghị tiếp tục hoạt động theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

2 dự án tăng vốn gần 10.000 tỉ đồng

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM thông qua 27 nghị quyết khác ở các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đầu tư công. Đối với việc nuôi chim yến, TP.HCM xác định rõ 4 khu vực được phép nuôi chim yến, bao gồm: P.Long Phước (TP.Thủ Đức); 4 xã An Thới Đông, Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp (H.Cần Giờ), 9 xã An Nhơn Tây, An Phú, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Thái Mỹ, Trung An (H.Củ Chi) và 6 xã Đông Thạnh, Nhị Bình, Tân Hiệp, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Việc xác lập các khu vực được phép nuôi chim yến nhằm phát triển bền vững nghề nuôi yến, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân, bảo vệ môi trường và sử dụng đất hiệu quả.

Đối với các dự án đầu tư công, HĐND TP.HCM thống nhất tăng tổng mức đầu tư dự án rạch Xuyên Tâm (Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh) từ 9.664 tỉ đồng lên 17.229 tỉ đồng và dự án bờ bắc kênh Đôi (Q.8) tăng từ hơn 4.930 tỉ đồng lên 7.415 tỉ đồng. Phần vốn tăng chủ yếu do áp dụng chi phí bồi thường theo luật Đất đai 2024. Bên cạnh đó, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng mức đầu tư 939 tỉ đồng giúp tăng khả năng kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Riêng đường Trần Xuân Soạn (Q.7), TP.HCM chi 375 tỉ đồng đầu tư dự án chống ngập và xây bờ kè giúp việc lưu thông an toàn hơn.

Nhằm chia sẻ với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp và ngoại giao trên địa bàn, HĐND TP.HCM thống nhất hỗ trợ đặc thù 19 triệu đồng/biên chế/năm cho các cơ quan Viện KSND, TAND, Cục Thi hành án dân sự và Sở Ngoại vụ TP.HCM. Mức hỗ trợ này được cấp từ ngân sách TP.HCM và không được sử dụng cho việc chi thu nhập tăng thêm, tổng kinh phí hơn 56 tỉ đồng/năm.

Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt 893 triệu đồng

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá 28 nghị quyết được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng. Do đó, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM tổ chức vận động được 893 triệu đồng, chuyển về Ủy ban MTTQ VN TP.HCM để hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu nhiệt thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.