TP.HCM sẽ tiếp tục thí điểm hòa giải, đối thoại tiền tố tụng tại tòa án

Phan Thương
Phan Thương
08/10/2019 15:20 GMT+7

Sau khi tổng kết công tác thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục thí điểm đến khi Quốc hội thông qua luật Hòa giải, đối thoại.

Ngày 8.10, TAND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP.HCM và 24 tòa án quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, ông Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, sau 8 tháng thực hiện, từ tháng 11.2018 đến nay, 10 trung tâm đã giải quyết khoảng 9.000 vụ/gần 10.000 vụ được tiếp nhận, trong đó, đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình, số lượng các vụ việc hòa giải thành chiếm trên 67%.

Ông Bùi Ngọc Hòa trao bằng khen của Chánh án TAND tối cao đối với 2 Trung tâm và một số cá nhân đạt thành tích

Ảnh: Phan Thương

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đưa ra một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, vì mô hình hòa giải, đối thoại tiền tố tụng là mô hình mới, được thực hiện thí điểm trong thời gian ngắn nên nhận thức của người dân chưa thật sự tin tưởng vào tính pháp lý của Quyết định công nhận, mà vẫn muốn tòa án giải quyết, xét xử bằng bản án. Vì vậy, nhiều trường hợp luật sư là người đại diện cho đương sự nộp đơn đề nghị không hòa giải ngay từ khi nộp đơn khởi kiện.
Tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Hòa (thẩm phán TAND tối cao, Trưởng đoàn công tác số 7 phụ trách công tác thí điểm tại TP.HCM) đã tuyên dương Trung tâm hòa giải, đối thoại Q.Bình Tân khi đơn vị này nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác thí điểm; đồng thời chúc mừng Trung tâm hòa giải, đối thoại H.Củ Chi, H.Bình Chánh, Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp và một số cá nhân là hòa giải viên, đối thoại viên cũng nhận được bằng khen của Chánh án TAND tối cao và UBND TP.HCM.
Với thành tích đạt được như trên, ông Bùi Ngọc Hòa hy vọng TP.HCM sau khi thực hiện tổng kết sẽ tiếp tục thực hiện đến khi Quốc hội thông qua luật Hòa giải, đối thoại. Và khi luật Hòa giải, đối thoại có hiệu lực thi hành thì những kinh nghiệm trong thời gian thí điểm sẽ là động lực, tiền đề để công tác hòa giải, đối thoại tại các trung tâm sẽ có kết quả hơn.
Ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính thành ủy TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo,  đánh giá áp dụng hòa giải, đối thoại tiền tố tụng tại tòa án là cụ thể hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định pháp luật, xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết và giảm áp lực về số lượng vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, mang lại lợi ích cho người dân. Ông Trần Thế Lưu cũng nêu TP.HCM sẽ tiếp tục thí điểm sau khi tổng kết nhưng trên cơ sở có văn bản của TAND tối cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.