TP.HCM: sẽ ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung

Duy Tính
Duy Tính
27/09/2023 07:57 GMT+7

Ứng dụng AI trong lĩnh vực sản phụ khoa mở ra hướng mới cho y tế cơ sở tiếp cận chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung

Ngày 27.9, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian sắp tới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sàng lọc ung thư cổ tử cung sẽ được triển khai thử nghiệm tại các bệnh viện chuyên khoa sản của thành phố (Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ). Ứng dụng AI này mong đợi sẽ có thêm một công cụ hỗ trợ từ xa trong phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho y tế cơ sở.

TP.HCM: sẽ ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ sớm ứng dụng AI trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung

SỞ Y TẾ TP.HCM

Theo đó, AI trong sàng lọc ung thư cổ tử cung có tên là CerviCare AI. CerviCare AI được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn gồm hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, bao gồm cả hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường.

Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của KFDA (Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc) thực hiện trên 1.000 phụ nữ Hàn Quốc từ 25-65 tuổi, những phụ nữ này được chụp ảnh cổ tử cung bằng phương pháp soi cổ tử cung truyền thống và bằng ứng dụng CerviCare AI. Kết quả cho thấy, CerviCare AI có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98% khi kết hợp với xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung); độ chính xác trong việc phát hiện các dấu hiệu bất thường khác trên cổ tử cung là 95%; thời gian phân tích hình ảnh: 5 phút.

Ngoài Hàn Quốc, một số nước và vùng lãnh thổ đã bắt đầu phê duyệt cho phép sử dụng ứng dụng này tại các cơ sở khám, chữa bệnh (như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan). Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Nhật Bản (PMDA) đã phê duyệt sử dụng CerviCare AI tại Nhật Bản vào tháng 1.2023, hiện nay hệ thống này hiện đang được sử dụng tại một số bệnh viện và phòng khám tại quốc gia này.

Theo Sở Y tế TP.HCM, ưu điểm của CerviCare AI đã được một số nước kiểm nghiệm:

  • Có thể phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung, ngay cả khi các dấu hiệu này vẫn chưa thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này giúp tăng khả năng điều trị thành công cho bệnh nhân.
  • Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung giúp giảm thiểu chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân.
  • CerviCare AI giúp phổ biến dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung, đặc biệt là ở những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.

CerviCare AI là một hệ thống giải pháp có tên là TeleCervicography, hệ thống này bao gồm thiết bị thông minh Dr. Cervicam C20, TeleCervico (phiên bản kết nối mạng) và mạng lưới các chuyên gia đánh giá.

Quy trình kiểm tra sức khỏe cổ tử cung bằng CerviCare AI được thực hiện theo quy trình 3 bước:

  1. Người yêu cầu - phóng to, chụp ảnh cổ tử cung bằng một máy ảnh đặc biệt (Dr. Cervicam C20), nhập hình ảnh và thông tin cơ bản của bệnh nhân, truyền dữ liệu đi.
  2. Nhà cung cấp dịch vụ - chỉ định, yêu cầu giải thích với các chuyên gia, quản lý kết quả.
  3. Chuyên gia đánh giá - đánh giá xem hình ảnh có hiển thị ung thư cổ tử cung hay không, sau đó truyền trả kết quả.

Theo các chuyên gia, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú. Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có khoảng 9.000 ca mắc mới và khoảng 3.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung.

Nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, 90-100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Mặc dù có tới hơn 200 tuýp HPV khác nhau, nhưng chỉ khoảng 40 tuýp lây nhiễm ở đường sinh dục và ít nhất 15 tuýp liên quan đến ung thư. Các tuýp 16, 18, 45, 56 thường có liên quan với các tổn thương loạn sản nặng và ung thư cổ tử cung xâm nhập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.