Ngày 30.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo cáo UBND TP.HCM về tình hình công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và Covid-19.
99,7% trẻ mắc tay chân miệng nhập viện dưới 6 tuổi
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM 9.790 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca sốt xuất huyết (có 106 ca tại TP.HCM). Trong đó có 69 ca là người lớn (có 2 phụ nữ mang thai), 89 ca trẻ em.
Đặc biệt, có đến 13 ca sốt xuất huyết nặng (trong đó có 3 ca ở TP.HCM), 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu, phần lớn là ca từ các tỉnh chuyển đến.
Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng gia tăng "vượt" sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 13.173 ca mắc tay chân miệng.
Hiện các bệnh viện tại TP.HCM đang điều trị 477 ca tay chân miệng. Trong đó có 476 ca mắc dưới 6 tuổi. Có 36 ca tay chân miệng nặng (7 ca có địa chỉ tại TP.HCM).
Về tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 5.135 ca mắc Covid-19 được công bố. Hiện tại chỉ còn 2 ca đang điều trị tại bệnh viện (1 ca cần hỗ trợ hô hấp) và 1 ca cách ly tại nhà.
Số ca mắc tay chân miệng ở TP.HCM 'vượt' sốt xuất huyết
Bệnh nhân tay chân miệng chủ yếu do các tỉnh chuyển về TP.HCM
Trong tuần qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đến các quận, huyện để đánh giá hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng lưu hành tại TP.HCM nhiều năm. Năm 2022, TP.HCM có số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong cao nhất trong nhiều năm qua, do đó phải hết sức cảnh giác. Trong những tháng đầu năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tuy thấp hơn 2022 nhưng Sở Y tế đánh giá nguy cơ có thể bùng phát, lan rộng nếu không có các giải pháp. TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ đầu năm và đã triển khai kiểm soát khá tốt sốt xuất huyết. Để phòng chống dịch bệnh tốt hơn, bác sĩ Hưng cho rằng phải huy động người dân cùng tham gia diệt muỗi, lăng quăng và phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" các điểm nguy cơ để chính quyền địa phương xử lý.
Còn với dịch bệnh tay chân miệng, do sự trở lại của chủng vi rút Entero 71 (EV71) gây bệnh nặng và hiện số mắc tăng nhiều. Nguy cơ sắp tới là rất lớn, đặc biệt là ở các gia đình có trẻ em. Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng y tế quận, huyện tăng cường giám sát ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt là báo cáo ca bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân. Bên cạnh đó là truyền thông về rửa tay, phòng chống lây nhiễm từ người nuôi bệnh.
Ở góc độ điều trị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, 1-2 tuần gần đây sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng. Do đó các bệnh viện, phòng khám cần nhận biết dấu hiệu bệnh nặng, tránh để tử vong.
Ngoài ra, TP.HCM có 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị tay chân miệng: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Các bệnh viện cũng đang quá tải do tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh trong khu vực chuyển về. Hội đồng chuyên môn các bệnh viện đã làm việc với nhau và đưa ra khuyến cáo sử dụng thuốc hiệu quả, đặc biệt thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch đang khan hiếm. Dự kiến hơn 1 tuần nữa sẽ có 3.000 lọ Gamma Globulin được nhập về.
Bình luận (1)
Tin nghĩ không chỉ các cơ quan, địa phương, nhà trẻ quan tâm, lưu ý mà con cần cho nhiều người biết, theo dõi.