Chiều 9.12, các đại biểu HĐND TP.HCM thảo luận và thông qua hàng loạt tờ trình về đầu tư công, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích đất trồng lúc, tăng viện phí, đề án sữa học đường và chi thu nhập tăng thêm.
Đáng chú ý, tờ trình điều chỉnh Nghị quyết 03 về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập vấp phải nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu.
|
Theo Nghị quyết 03, lộ trình chi thu nhập tăng thêm năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần. UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh thời gian áp dụng từ năm 2020 trở đi, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập không thấp hơn 1,2 lần và không quá 1,8 lần.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo thắc mắc vì sao thời gian thực hiện nghị quyết lại từ năm 2020 bởi từ Nghị quyết 03 đã được áp dụng từ tháng 4.2018. Đại diện Sở Tài chính lý giải Nghị quyết 03 ghi là thực hiện đủ 1,8 lần kéo dài đến hết thời gian thí điểm nên Sở dựa vào đó để tham mưu và giữ nguyên thời gian thực hiện.
Không đồng tình với cách lý giải của Sở Tài chính, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng do Nghị quyết 03 ghi đến năm 2020 chi thu nhập tăng thêm là đủ 1,8 lần nhưng do thành phố không đủ ngân sách cân đối nên mới giảm xuống 1,2 lần.
UBND TP.HCM lý giải gì?
|
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, trong tờ trình của UBND TP.HCM có nêu lộ trình thu nhập tăng thêm trong các năm 2018 - 2020 và kéo dài đến năm 2022. Sau khi cân đối ngân sách, thành phố nhận thấy nếu thực hiện chi thu nhập tăng thêm đủ 1,8 lần thì 2 năm còn lại thiếu hụt 15.493 tỉ đồng, trong đó năm 2021 là 4.527 tỉ và năm 2022 là 10.965 tỉ. Do không thể thực hiện mức tăng thêm theo Nghị quyết 03 là 1,8 lần nên UBND TP.HCM chỉ đề nghị tăng 1,2 lần.
Lý giải về việc không đủ ngân sách chi thu nhập tăng thêm đủ 1,8 lần, UBND TP.HCM cho biết do nguồn cải cách tiền lương bị điều chỉnh giảm và năm 2021 - 2022 là thời kỳ ổn định ngân sách mới, T.Ư chưa quy định cơ chế tạo nguồn và sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương.
Năm 2019, TP.HCM dự kiến chi hơn 7.200 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm. Kinh phí này được lấy từ các nguồn: cải cách tiền lương năm trước chuyển sang; cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm; ngân sách cấp huyện, thành phố...
Bình luận (0)