TP.HCM thuộc 7 tỉnh, thành có nguy cơ dịch sởi rất cao

Liên Châu
Liên Châu
13/07/2024 20:03 GMT+7

TP.HCM thuộc 7 tỉnh, thành có nguy cơ rất cao về dịch sởi. Bộ Y tế đã có họp bàn với trưởng đại diện WHO, UNICEF và các tổ chức quốc tế về phòng chống dịch bệnh này.

Dịch sởi có nguy cơ cao và rất cao tại 14 tỉnh, thành

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả đánh giá gần đây nhất về nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành cho thấy, 7/63 tỉnh, thành có nguy cơ rất cao là: Hà Tĩnh, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang.

TP.HCM thuộc 7 tỉnh, thành có nguy cơ dịch sởi rất cao- Ảnh 1.

Bộ Y tế dự kiến triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại các tỉnh, thành có nguy cơ cao về dịch sởi

LIÊN CHÂU

7/63 tỉnh được đánh giá là có nguy cơ cao là: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình DươngCà Mau. Ngoài ra, 9 tỉnh khác có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp.

Các đơn vị chuyên môn vẫn tiếp tục rà soát các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm hạn chế lây lan theo quy định.

Để kiểm soát nguy cơ bùng phát, Cục Y tế dự phòng đã dự kiến kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống sởi tại 14 tỉnh (miền Bắc 2 tỉnh, miền Nam 11 tỉnh, Tây nguyên 1 tỉnh). Trong đó, 11/14 tỉnh nguy cơ cao và rất cao.

Lo ngại bùng dịch khi trẻ nhập học

Về ứng phó dịch bệnh sởi tại Việt Nam, ngày 12.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Đại sứ quán Úc về các vấn đề liên quan.

TP.HCM thuộc 7 tỉnh, thành có nguy cơ dịch sởi rất cao- Ảnh 2.

Việt Nam nhiều năm nhận được giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế về vắc xin và an toàn tiêm chủng

LIÊN CHÂU

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề xuất đặc biệt mong muốn WHO, UNICEF và các tổ chức quốc tế hỗ trợ Bộ Y tế vắc xin để triển khai tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi.

Cùng với đó, Bộ trưởng Y tế cũng mong Đại sứ quán Úc, WHO và UNICEF sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong chiến dịch tiêm chủng tới đây.

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện WHO cho biết rất lo ngại về việc gia tăng các ca, chùm ca bệnh bệnh sởi ở một số tỉnh và khả năng bùng phát trên diện rộng nếu các hành động y tế công cộng khẩn cấp không được thực hiện, đặc biệt khi trẻ em sắp đi học lại.

Đồng thời, khuyến nghị Việt Nam thực hiện những hành động khẩn cấp như: tiêm vắc xin ứng phó dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi các chùm ca bệnh, ổ dịch hiện tại; thực hiện một chiến dịch tiêm chủng nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận tất cả trẻ em đã bỏ lỡ tiêm chủng thường xuyên trong vài năm qua; tăng cường giám sát và năng lực, sự sẵn sàng của phòng xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng cho việc quản lý ca bệnh đặc biệt là cung cấp vitamin A liều cao.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, khẳng định UNICEF luôn đồng hành cùng Bộ Y tế Việt Nam trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Theo bà, Bộ Y tế cần chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin và các giải pháp trong cơ chế phân cấp mua sắm trong tình huống khẩn cấp và bùng phát dịch bệnh.

Bộ Y tế đang tìm nguồn vắc xin để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin chứa thành phần sởi tại 14 tỉnh, thành. Trong đó, tại miền Bắc sẽ tiêm cho các trẻ 1 - 10 tuổi.

Miền Nam tiêm cho các trẻ trong độ tuổi khác nhau theo từng địa phương gồm các trẻ từ 6 - 10 tuổi, 9 tháng - 5 tuổi, 11 tháng - 7 tuổi và 3 - 10 tuổi.

Tại Tây nguyên, tiêm cho nhóm trẻ từ 9 tháng - 5 tuổi.

Nhu cầu vắc xin cho tiêm chiến dịch cần khoảng 100.000 liều vắc xin sởi và 1,58 triệu liều vắc xin phối hợp sởi - rubella.

(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.