TP.HCM triển khai 2 nhóm giải pháp quan trọng bảo vệ trẻ trước dịch bệnh sởi

Duy Tính
Duy Tính
17/08/2024 14:12 GMT+7

Tại TP.HCM có đến hơn 78% trẻ mắc bệnh sởi là dưới 5 tuổi, trong đó có 66% trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh này.

Ngày 17.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi tất cả cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng và các giải pháp phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 12.8, trên địa bàn TP.HCM có 346 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại các bệnh viện.

Qua thống kê, có 78,4% ca mắc bệnh sởi trẻ dưới 5 tuổi, 66% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi và 30% trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Nhằm chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ hạn chế mắc bệnh sởi và giảm nguy cơ tử vong, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế các giải pháp quan trọng.

TP.HCM triển khai 2 nhóm giải pháp quan trọng bảo vệ trẻ trước dịch bệnh sởi- Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại TP.HCM

HOÀI NHIÊN

TP.HCM: Số ca mắc sởi tăng nhanh, phụ huynh nghỉ làm đưa con đi tiêm ngừa

Nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi

Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các trung tâm y tế tham mưu UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức vận động phụ huynh đưa các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (hoặc tiêm chưa đủ mũi) đến các điểm tiêm trên địa bàn để được tiêm bù. Trong đó bao gồm cả trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin.

Để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi đạt hiệu quả, các địa phương cần rà soát lập danh sách tất cả các trẻ từ 1 - 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, chú ý các trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ.

Các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa khi thực hiện khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh sởi của trẻ, ghi chép vào hồ sơ bệnh án và tư vấn. Hướng dẫn phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi.

Khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh mắc sởi.

Bệnh viện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền và tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện.

TP.HCM triển khai 2 nhóm giải pháp quan trọng bảo vệ trẻ trước dịch bệnh sởi- Ảnh 2.

66% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh sởi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi

HOÀI NHIÊN


Nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ

Sở Y tế TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Cụ thể, triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Bố trí khu vực cách ly để điều trị người bệnh nghi, nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt, không bố trí chung buồng bệnh với các trường hợp khác.

Nhân viên y tế, kể cả thân nhân người bệnh cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn như mang khẩu trang, vệ sinh tay khi chăm sóc các trẻ thuộc nhóm nguy cơ. Khuyến khích những người này tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm sởi trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với người mắc bệnh sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân tuyến điều trị và tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM kiến nghị công bố dịch sởi (đã có 9 quận, huyện đủ điều kiện công bố) để huy động nguồn lực chống dịch, tránh nguy cơ bùng phát, tử vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.