Hôm qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Mục tiêu của thành phố nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao bằng 4 nhóm giải pháp trọng tâm.
Thành ủy TP.HCM xác định thời gian cao điểm 2 tuần tới có ý nghĩa quyết định đối với kết quả phòng, chống dịch của thành phố; đồng thời yêu cầu các lãnh đạo chủ chốt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, người đứng đầu các cấp đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức, hành động quyết liệt, phấn đấu hoàn thành tốt nhất kế hoạch đề ra.
Chỉ thị 12/2021 của Thành ủy TP.HCM ban hành trong bối cảnh TP.HCM đã bước qua 2 tuần thực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9.7) nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp: Số ca nhiễm hằng ngày ở mức rất cao, nhất là trong các khu phong tỏa, khu cách ly; số đang điều trị, số ca nặng, tử vong ngày càng tăng; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...
Nâng cao năng lực điều trị F0
Thành ủy TP.HCM giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố khẩn trương cụ thể hóa thành quyết định bảo đảm tính pháp lý cao nhất, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả các giải pháp tăng cường Chỉ thị 16 đề ra.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là ngành y tế phối hợp kịp thời các địa phương xây dựng các kịch bản chi tiết, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: phòng ngừa, xét nghiệm, cách ly, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, mua và tiêm vắc-xin.
|
Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM lãnh đạo UBND TP.HCM trực tiếp phối hợp với các bộ ngành, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tranh thủ tối đa sự chi viện nguồn nhân lực, bảo đảm các nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch.
Tập trung nâng cao năng lực, kịp thời xử lý, tiếp nhận, chăm sóc và điều trị các ca F0, nhất là các ca nặng; khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ làm để vận hành tại khu cách ly F0, Fl, khu phong tỏa và việc chuẩn bị các khu cách ly F0 tại địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo phối họp tổ chức tốt việc cung ứng vận chuyển, tiếp nhận, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất thông suốt, thuận lợi, tuyệt đối không gây ách tắc, ảnh hưởng đến các hoạt động phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ người dân về các địa phương bảo đảm cách ly theo quy định.
Công an TP.HCM phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và tăng cường chỉ đạo hướng dẫn chi tiết các tình huống rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong toàn lực lượng; kết hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cháy nổ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị, khu phong tỏa, khu cách ly; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tố chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuyên tạc, kích động, chống phá.
Đảng ủy Quân sự TP.HCM lãnh đạo phối hợp điều hành hoạt động các trung tâm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 bảo đảm chặt chẽ, an toàn, hiệu quả, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong lực lượng phục vụ tại các khu cách ly, phối họp các lực lượng xịt phun hóa chất các khu phong tỏa; tổ chức đoàn xe tham gia vận tải hàng hóa phục vụ nhân dân thành phố.
Thành ủy TP.HCM giao Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Ban Dân vận Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan truyền thông, định hướng dư luận xã hội; kịp thời xử lý hiệu quả các sự cố về truyền thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xuyên tạc, kích động, chống phá, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Quan tâm, hỗ trợ những người yếu thế
Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức, các quận ủy, huyện ủy nêu cao tính chủ động, sáng tạo thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” và phát huy mạnh mẽ vai trò trực tiếp và toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp tăng cường Chỉ thị 16.
|
Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực, những tổ chức, cá nhân điển hình, năng động, sáng tạo, vượt khó, dũng cảm... để động viên, khen thưởng; đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót; kiên quyết xử lý những vi phạm do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc các quy định trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung trên địa bàn quản lý, nhất là giám sát, quản lý chặt chẽ các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà và thực hiện cưỡng chế, xử phạt thật nghiêm đối với người vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, nắm chắc người dân, hộ gia đình có ca F0, F1 thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn, neo đơn, khuyết tật, tôn giáo, dân tộc... kể cả người nghiện, để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp; tổ chức điều phối chu đáo, chặt chẽ công tác chăm lo và cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn; phân công trực các đường dây nóng 24/24 để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân.
Cần lưu ý gì khi thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường?Thành ủy TP.HCM đề nghị người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình.
Trong khu phong tỏa, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi: có yêu cầu cấp cứu y tế; mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa.
Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.
Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).
Đối với các gia đình có ca F0, F1 tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.
Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Các ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết; riêng các chi nhánh hoặc phòng giao dịch có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
Các doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu được hoạt động gồm: y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn, tuân thủ nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.
Đối với hoạt động chợ truyền thống chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%.
Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan.
Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 chỉ giải quyết cho xe công vụ, các phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR code nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố; các xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.
|
Bình luận (0)