TP.HCM xin hướng dẫn đối xử nhân đạo, điều kiện vệ sinh khi nuôi chó, mèo

22/03/2023 16:45 GMT+7

Trước tình trạng ngày càng có nhiều hộ nuôi chó, mèo số lượng lớn, Sở NN-PTNT kiến nghị hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y và đối xử nhân đạo đối với vật nuôi làm cảnh.

Sau vụ việc UBND Q.4 (TP.HCM) xử phạt 64 triệu đồng đối với một hộ nuôi chó số lượng hơn 80 con vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hàng xóm, nhiều người dân băn khoăn về việc nuôi số lượng bao nhiêu là phù hợp.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết nuôi chó, mèo tại các đô thị là nuôi thú cảnh, và các quy định vẫn còn chung chung.

Đơn cử, luật Chăn nuôi chỉ quy định về chăn nuôi gia súc, trong đó không cho phép chăn nuôi gia súc trong nội thành, nội thị. Còn nuôi động vật làm cảnh thì chỉ quy định nuôi làm sao để không bị bệnh dại, hoặc phải rọ mõm, đeo dây xích khi động vật ra ngoài đường, giữ gìn vệ sinh.

TP.HCM xin hướng dẫn đối xử nhân đạo, điều kiện vệ sinh khi nuôi chó, mèo - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM vây bắt chó thả rông

NHẬT THỊNH

"Luật Chăn nuôi nhấn mạnh phải đối xử nhân đạo với vật nuôi, có nghĩa là phải cung cấp đồ ăn, chỗ ở, nước sạch, được bảo vệ và không được đánh đập thú cảnh", ông Thiết nói thêm.

Trong khi đó, luật Thú y thì đặt vấn đề bảo vệ con người khi nuôi thú cảnh (chó, mèo), nhất là phòng bệnh dại. Hằng năm, UBND TP.HCM đều chỉ đạo Chi cục Thú y rà soát, tiêm phòng để không xảy ra bệnh dại trên địa bàn.

Được khuyến nghị giảm đàn nhưng chủ nhà chưa thực hiện

Trả lời câu hỏi về mật độ, số lượng nuôi chó ở đô thị, lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết Nghị định 13/2020 hướng dẫn thi hành luật Chăn nuôi thì phân loại thành 4 cấp độ: nông hộ, trang trại nhỏ, trang trại vừa và trang trại lớn.

Trong đó, nông hộ là nuôi dưới 10 đơn vị vật nuôi, 1 đơn vị vật nuôi được tính bằng 500 kg trọng lượng sống, như vậy 10 đơn vị vật nuôi là 5 tấn. Với tiêu chí trên, nếu nuôi 100 - 200 con chó (trung bình 10 kg/con) thì cũng khoảng 2 tấn trở lại.

TP.HCM xin hướng dẫn đối xử nhân đạo, điều kiện vệ sinh khi nuôi chó, mèo - Ảnh 2.

Hộ nuôi chó số lượng lớn ở Q.4, TP.HCM bị xử phạt vì hành vi gây ô nhiễm môi trường

LÊ HỒNG HẠNH

Như trường hợp ở Q.4, ông Nguyễn Hữu Thiết cho biết hộ này nuôi ở dạng nông hộ, nhưng ít nhiều ảnh hưởng về mùi hôi, tiếng ồn và đời sống sinh hoạt của hàng xóm. UBND P.9 và Q.4 nhiều lần khuyên giảm đàn, di dời đàn chó đến nơi xa để hạn chế ảnh hưởng đến người dân xung quanh nhưng chủ hộ chưa chấp hành vì tình thương với vật nuôi, và quen nơi ở cũ.

Sau đó, UBND Q.4 kiểm tra việc xử lý nước thải ra công cộng và phạt chủ hộ 64 triệu đồng. Nhìn nhận về quyết định xử phạt của UBND Q4, ông Thiết cho biết do không có quy định về điều kiện nuôi nên chính quyền địa phương vận dụng quy định tương đồng về môi trường để xử lý. Lý do, hiện còn thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mật độ nuôi, khí thải chăn nuôi (mùi hôi), tiếng ồn…

Nhiều hộ nuôi số lượng lớn

Thống kê đến tháng 2.2023, toàn TP.HCM có hơn 100.000 hộ nuôi với hơn 177.000 chó, mèo, nhiều nhất là ở TP.Thủ Đức với hơn 21.000 con. Đa phần, các hộ nuôi 1 - 2 con, một số hộ nuôi 4 - 5 con, rất ít nhà nuôi số lượng lớn như hộ dân ở Q.4.

Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, thời gian gần đây đã xuất hiện một số hộ nuôi chó, mèo với số lượng rất lớn nhưng chưa đủ cấu thành quy mô trang trại gây ảnh hưởng mùi hôi, tiếng ồn và đời sống sinh hoạt của các hộ dân sinh sống xung quanh, phát sinh đơn thưa khiếu nại…

TP.HCM xin hướng dẫn đối xử nhân đạo, điều kiện vệ sinh khi nuôi chó, mèo - Ảnh 3.

Chó thả rông được đưa về chăm sóc, nếu sau 48 giờ mà chủ nuôi không đến nhận thì phường chuyển về Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM để phục vụ mục đích xã hội

NHẬT THỊNH

Sở NN-PTNT đã phối hợp chính quyền địa phương xử lý các trường hợp này, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm do hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm liên quan đến mùi hôi. Việc xác định mật độ nuôi và xử lý vi phạm về tiếng ồn do nuôi chó, mèo với số lượng lớn trong thực tế cũng khó thực hiện.

Do đó, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn cụ thể về điều kiện chăn nuôi, điều kiện vệ sinh thú y và đối xử nhân đạo đối với nuôi chó, mèo và các loài động vật nuôi làm cảnh khác.

Lãnh đạo Chi cục Thú y nhận định đây sẽ là cơ sở nền tảng để chính quyền địa phương thực thi. "Việc này sẽ giúp các địa phương như Hà Nội, TP.HCM và các đô thị có dân cư lớn, nhu cầu nuôi thú cảnh giải quyết thống nhất, căn cơ", ông Thiết nhận định. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi cũng cần có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để ứng xử phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.