Thưa ông, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư, các bước tiếp theo để chuyển đổi hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh sang cấp đô thị sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP.Huế trực thuộc T.Ư, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết như củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân... Rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện.
Khi Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, việc thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Trong quá trình xây dựng Đề án, tỉnh đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp xếp bộ máy, nhân sự và việc này sẽ được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Kỳ vọng của người dân cố đô khi Huế trở thành 1 trong 6 thành phố trực thuộc trung ương
Huế là đô thị thứ 6 trực thuộc T.Ư, nhưng mô hình phát triển của Huế mang tính đặc thù, vậy xin ông cho biết những đặc thù này của Huế là gì?
Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên-Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Vì vậy, mô hình của TP.Huế trực thuộc T.Ư có đặc thù là đô thị di sản hiện đại, văn minh, thân thiện, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng "bảo tồn đi liền với phát triển".
Thưa ông, TP.Huế trực thuộc T.Ư trong tương lai không gian phát triển đô thị Huế sẽ như thế nào?
Không phải đến bây giờ, khi Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư mới phát triển không gian đô thị mà công tác quy hoạch đô thị được tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn chú trọng. Theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp…) đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.
Trên cơ sở định hình phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Vành đai 3, cầu vượt cửa biển Thuận An trên tuyến đường ven biển... để mở ra không gian phát triển đô thị hiện đại. Về không gian đô thị di sản, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị… để bảo tồn, tôn tạo và phát triển di sản cố đô Huế.
TP.Huế trực thuộc T.Ư sẽ mở ra cực tăng trưởng cho khu vực và quốc gia, theo ông thời gian tới Huế sẽ có những giải pháp đột phá nào?
Việc trở thành thành phố trực thuộc T.Ư là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Vị thế của thành phố trực thuộc T.Ư cũng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng được đồng bộ và hiện đại, các chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư, góp phần đẩy mạnh nguồn thu ngân sách xứng tầm đô thị của quốc gia.
Thời gian tới, tỉnh tập trung cho xây dựng quy hoạch phát triển bền vững: ưu tiên phủ kín quy hoạch phân khu, tiếp tục triển khai đồng bộ quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển nhằm nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong kêu gọi, thu hút đầu tư, trong đó xác định rõ các khu vực cần bảo tồn di sản và các khu vực có thể phát triển dự án; điều này giúp tránh xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới; phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước; nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, phát triển du lịch Lăng Cô - Bạch Mã, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Quần thể di tích cố đô Huế...
Để tạo động lực phát triển, tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi mới cho nhà đầu tư tham gia các dự án, tạo điều kiện thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phát triển kinh tế và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách ưu đãi mới cho nhà đầu tư tham gia các dự án, đặc biệt là các dự án bảo tồn và phát triển văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)