Trả 1.000 tỉ đồng mua 'đất vàng' Kim Liên

23/12/2015 06:01 GMT+7

Ngày 22.12, phiên đấu giá bán 52,4% cổ phần khách sạn Kim Liên của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) diễn ra cực kỳ sôi động, khi giá khởi điểm 30.600 đồng/CP đã được đẩy lên 102.000 đồng rồi bay lên đến 274.000 đồng/CP.

Hôm qua (22.12) phiên đấu giá bán 52,4% cổ phần khách sạn Kim Liên của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) diễn ra cực kỳ sôi động, khi giá khởi điểm 30.600 đồng/CP đã được đẩy lên 102.000 đồng rồi bay lên đến 274.000 đồng/CP. Với mức giá cao ngất ngưởng này, nhà đầu tư trúng giá phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để mua trọn lô hơn 3,6 triệu cổ phiếu trên.
Vị trí đắc địa đã giúp khách sạn Kim Liên thu hút nhà đầu tư - Ảnh: Ngọc ThắngVị trí đắc địa đã giúp khách sạn Kim Liên thu hút nhà đầu tư - Ảnh: Ngọc Thắng
“Nóng sốt” thoái vốn nhà nước
Cuộc đấu giá đã thu hút 36 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó có những gương mặt tên tuổi như REE, Thaigroup của bầu Thụy, Hanoitourist... Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế của khách sạn Kim Liên chỉ đạt 1,03 tỉ đồng, giảm mạnh so với 6,16 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh sa sút là do doanh thu tài chính giảm nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng vọt. Tuy nhiên, việc tọa lạc và quản lý 3,5 ha đất đắc địa ở trung tâm Hà Nội là lý do chính khiến các nhà đầu tư mong muốn tái cấu trúc và kinh doanh mang lại hiệu quả hơn cho khách sạn này.

Tiền trên thị trường không thiếu, quan trọng món hàng chất lượng và minh bạch như thế nào để nhà đầu tư bỏ tiền ra mua

 

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc khối phân tích - Công ty chứng khoán KimEng VN

Trong tháng 11 và đầu tháng 12 đã chứng kiến những cuộc bán đấu giá vốn nhà nước sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia như đấu giá công khai 38,7% vốn cổ phần Nhà in Trần Phú thu về gần 112 tỉ đồng, đợt bán cổ phần ra công chúng (IPO) 3,47% của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) bán hết cho 152 nhà đầu tư, thu về hơn 1.000 tỉ đồng... Nhiều nhà đầu tư như Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Aeroport de Paris… cũng bày tỏ mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của ACV, đơn vị trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, qua trường hợp khách sạn Kim Liên hay ACV, cho thấy bán đấu giá công khai đang cho kết quả thu về rất tốt, nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp có triển vọng phát triển nên đã chấp nhận đẩy giá lên để mua bằng được. Đồng thời, một cuộc đấu giá có thành công hay không còn phụ thuộc vào những thông số như chất lượng tài sản đấu giá, nợ doanh nghiệp, thông tin công bố liên quan minh bạch, đầy đủ và chính xác, đối tượng tham gia đấu giá càng rộng rãi cũng sẽ khiến cuộc đấu giá đạt được kết quả tốt nhất.
Thống kê từ năm 2000 đến nay mới bán được khoảng 5% vốn nhà nước, tức khoảng 55.000 - 57.000 tỉ đồng. Như vậy, còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu tỉ đồng vốn nhà nước chưa bán ra thị trường. Trong năm qua, các phiên đấu giá và thoái vốn của nhà nước diễn ra khá trầm lắng, nhiều cuộc phải hủy vì vắng bóng người mua. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán KimEng VN, các cuộc đấu giá bán theo lô lớn cầu nhiều hơn cung cho thấy đó là những nhà đầu tư lớn, chứng tỏ món hàng có chất lượng. “Tiền trên thị trường không thiếu, quan trọng món hàng chất lượng và minh bạch như thế nào để nhà đầu tư bỏ tiền ra mua”, ông nói. Đó là lý do mà thời gian qua, thông qua những cuộc IPO, hàng loạt các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã bỏ hàng trăm tỉ để mua những “món hàng” có chất lượng - để trở thành nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa - như Vingroup và TNG group sở hữu lần lượt 10% và 14% sau IPO của Vinatex, BRG group sở hữu 46% Intimex, hay Công ty xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là cổ đông chiến lược với 16% của Sasco…
Càng minh bạch càng bán được hàng
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, giá trị tài sản nhà nước/DNNN khi thoái vốn sẽ thể hiện rõ thông qua đấu thầu cạnh tranh, phản ánh giá thị trường tốt nhất, với thông tin công bố minh bạch, nhiều nhà đầu tư tham gia thông qua đấu thầu trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ của sàn giao dịch. Có 3 điều quan trọng tiên quyết trong đấu giá bán vốn nhà nước công khai. Thứ nhất, kết quả đấu thầu cạnh tranh, rõ ràng, minh bạch, đối tượng tham gia rộng rãi khiến giá trị thoái vốn nhà nước thu về lớn nhất có thể. Thứ hai, ưu điểm đấu giá công khai cho thấy thoái vốn không phải là khó. Lâu nay, nhiều DNNN cứ lo ngại bán không có người mua hoặc lo bán lỗ, bán rẻ tài sản nhà nước nên đã trì hoãn cổ phần hóa, trì hoãn thoái vốn nhà nước. Song với cơ chế đấu giá có thể phản ánh mức giá mà người tham gia muốn mua. Ngay cả trường hợp giá đấu khởi điểm dưới mệnh giá, thì cơ chế đấu giá công khai cũng không gây rủi ro trách nhiệm cho người đứng đầu DNNN như chúng ta vẫn nói lâu nay. Trước đây DNNN gặp khó khi thoái vốn nhưng vẫn phải bảo toàn được vốn nhà nước. Nay quy định tuy đã “cởi trói” khi cho phép bán vốn dưới mệnh giá nhưng vẫn còn ràng buộc là phải hạn chế tối đa tổn thất đầu tư, khiến nhiều người ngại trách nhiệm. “Đấu giá công khai qua sàn, tính cạnh tranh rất cao và rất minh bạch, bảo đảm hiệu quả nhất cho đồng vốn nhà nước, có thể giải tỏa nỗi lo trách nhiệm này”, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích.
Không phải thương vụ bán vốn nhà nước nào cũng hấp dẫn và nóng sốt, nhưng được giá chỉ là một phần. Vì vậy, điều quan trọng thứ 3 là một cơ chế công khai minh bạch, có thể phản ánh được giá thị trường, thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, thúc đẩy cho DN phát triển sau đó. Việc bán vốn nhà nước như khách sạn Kim Liên, ACV hoặc sắp tới là 10 DN mà SCIC sẽ thoái vốn là những trường hợp phản ánh thực tế tài sản có giá trị, được đấu giá công khai, minh bạch sẽ thu hút các nhà đầu tư, mang lại lợi lớn nhất cho nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.