Trong nghiên cứu về truyền thông và văn hóa đại chúng, khái niệm "vốn của người nổi tiếng" (celebrity capital) rất quen thuộc. Thuật ngữ này thường được dùng để mô tả giá trị mà người nổi tiếng tích lũy thông qua danh tiếng và mức độ ảnh hưởng của họ đối với công chúng. "Vốn" này có thể được chuyển đổi thành các giá trị kinh tế như hợp đồng quảng cáo hay cơ hội kinh doanh...
Việc tạo lập "vốn" của người nổi tiếng không phải lúc nào cũng dựa trên tài năng thực sự. Có hai nhóm đối tượng nổi tiếng chính: nhờ tài năng và nhờ tạo ra sự chú ý. Nhóm đầu tiên có được sự nổi tiếng nhờ tài năng hoặc thành tích xuất sắc trong lĩnh vực của họ, như: diễn viên, ca sĩ, vận động viên... Tài năng ở đây, chính là sự cống hiến và là nền tảng tạo ra danh tiếng.
Nhóm thứ hai thì không phải vậy nhưng vẫn nổi tiếng nhờ khả năng thu hút sự chú ý của công chúng thông qua các vụ bê bối, sự kiện gây tranh cãi, hoặc tận dụng mạng xã hội để xây dựng hình ảnh cá nhân. Những lượt like (thích), share (chia sẻ), comment (bình luận)... mà người dùng mạng xã hội "cần mẫn" đóng góp chính là dòng "vốn" đang làm "giàu" cho nhóm này.
Nhưng nổi tiếng nhờ tai tiếng không chỉ làm suy giảm giá trị của người thực sự có tài năng, mà còn kéo theo hệ lụy tiêu cực khác: suy thoái giá trị xã hội khi những hành vi gây sốc, thiếu đạo đức được công nhận và lan truyền. Giới trẻ có thể bị ảnh hưởng và bắt chước những hành vi tiêu cực này, coi đó như chuẩn mực mới.
Do vậy, cần các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát hành vi sử dụng chiêu trò để nổi tiếng như: phạt tiền, đưa vào "danh sách đen" nhằm răn đe; chính sách về quản lý sử dụng mạng xã hội, nhằm kiểm soát, ngăn chặn hành vi tạo, phát tán bê bối. Ý thức cộng đồng cũng rất quan trọng. Nên ngừng like, share, comment và phản ánh lên cơ quan chức năng những việc làm sai trái. Đồng thời, cần khuyến khích, vinh danh những người nổi tiếng thực sự có tài năng... Vì sự nổi tiếng phải được xây dựng trên nền tảng của tài năng và giá trị thực sự.
Bình luận (0)