Nhiều bạn đọc của Thanh Niên Online bình luận, “ăn mặc là cái tự do của mỗi người, người ta được quyền làm cái pháp luật không cấm”. Đúng là như thế, nhưng cái ăn mặc đó cần phù hợp với địa điểm, sự kiện, môi trường xung quanh.
Không phải ngẫu nhiên, ở nhiều sự kiện, khi gửi giấy mời cho thành phần tham gia, người ta đều ghi chú rất rõ ràng ở dưới rằng, đàn ông thì mặc trang phục gì, nữ giới thì mặc trang phục gì, xin mời làm đúng. Ở nhiều sòng bạc của nước ngoài, để được vào chơi, không phải anh chỉ có tiền. Nếu anh không mặc lịch sự với áo vest chỉn chu, xin mời anh ra ngoài, dù anh bảo trong túi anh có tỉ đô la đi chăng nữa.
Nhiều người có vẻ không hiểu bản thân, vóc dáng, cơ thể mình. Người ta bảo “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” hay nôm na là “Tốt khoe, xấu che”. Thế nhưng, cái đẹp/xấu cũng vô chừng, nhiều người nghĩ là phải khoe "xôi thịt", khoe thật nhiều phần trên cơ thể mới đẹp, còn kín như bưng là không đẹp.
Tôi cũng nghe câu “Ăn cho mình, mặc cho người”, ý là món ăn thức uống thì mình cho vào bụng mình, hay dở gì mình cũng dung nạp, bệnh tật gì mình cũng chịu. Nhưng còn cái mặc, không phải chỉ đẹp thì riêng mình hưởng, xấu thì riêng mình chịu mà còn do người khác đánh giá, ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
tin liên quan
Nên phạt nặng mấy cô lưng trần, ăn mặc mát mẻ nơi công cộngCả một sự kiện truyền thông, ai cũng ăn mặc đàng hoàng chỉn chu, duy chỉ một cô mặc cái áo khoe hết cả 2/3 bầu ngực và cái đầm thì lại che được quá ít phần dưới, vậy thì người ta có đánh giá chỉ một mình cô có phong cách thời trang “lạ” kia không, hay nhận xét nhà tổ chức lôm côm, thiếu tôn trọng quan khách, người tham dự?
Cuộc sống ngày càng hiện đại, thời trang cũng vì thế mà cởi mở hơn với những sáng tạo đột phá hơn nhằm tôn lên vẻ đẹp của cả nam và nữ.
Tôi luôn cho rằng, cái đẹp được bao hàm trong nhiều phương diện: đẹp cho người mặc, đẹp cho bối cảnh, đẹp cho những người xung quanh… Bộ đồ bikini sẽ rất đẹp nếu chị này mặc ở hồ bơi cùng nhiều người cũng đang bơi, chứ không thể đẹp nếu chị mặc đi ăn nhà hàng - dù quyền tự do ăn mặc là của chị.
Bầu chọn
Bạn có cho rằng, ăn mặc "mát mẻ" nơi công cộng là hành vi trái thuần phong mỹ tục không?
Bạn có cho rằng, ăn mặc "mát mẻ" nơi công cộng là hành vi trái thuần phong mỹ tục không?
Tại sao với những bức hình chụp thiếu nữ chỉ mặc trên người có chiếc yếm hững hờ đứng bên đầm sen người ta lại thấy nó đẹp, duyên dáng và đằm thắm, thế nhưng cũng cô gái đó, nếu mặc đúng cái yếm đó và chỉ cái yếm đó nhưng chạy xe máy ngoài phố hay dự một cuộc họp hành chỗ đông người thì rất phản cảm?
Điều tôi muốn nói là, trang phục phải phù hợp mới nơi chúng ta đứng. Sẽ chẳng ai chê trách một cô gái mặc áo hở phần lưng trần rất lớn trong một sự kiện thời trang mới của một nhà thiết kế; cũng như chẳng ai phàn nàn một người chỉ mặc áo chẽn và quần ngắn khi người đó đang trong phòng gym. Môi trường đó, hoàn toàn phù hợp với những trang phục lưng trần, mát mẻ của các chị. Tôi cho rằng, trong các sự kiện trên mà mặc sơ mi đóng thùng, hoặc vest công sở thì quả thật có vấn đề về tâm lý!
Tôi đọc được nhiều bình luận của độc giả, đại ý là “Mặc cái gì mà chẳng được, miễn không cháy nhà chết người, không ảnh hưởng đến người khác”. Ồ, vậy phải chẳng tinh thần tự do của trang phục đang đi xa quá! Bạn có dễ dàng chấp nhận một người đàn ông vào đám tang, đền thờ, chùa chiền nhưng chỉ quần đùi và cởi trần; trong khi nữ giới chỉ mặc quần ngắn và áo hai dây hay không? Nhẹ nhàng, người đó cũng sẽ bị mời ra khỏi không gian tôn kính đó. Nặng nề hơn, rất dễ người đó hứng đủ “gạch đá” của cư dân mạng hoặc chính những người xung quanh cho hành vi quá phản cảm và xúc phạm nơi tôn nghiêm.
Tôi không lên án lưng trần, tôi cũng không kỳ thị việc ăn mặc mát mẻ của nhiều đàn ông hay nữ giới. Tôi chỉ bảo vệ quan điểm rằng, trang phục nên phù hợp với chỗ đứng của mỗi người, nếu đi ngược lại, chính bạn sẽ nhận lại sự phán xét của cộng đồng. Váy ngắn, bikini, váy lưng trần, áo trong suốt, quần cạp trễ… không có lỗi. Nếu có lỗi lầm, nó được gây nên bởi chính những người mua và mặc nó!
Bình luận (0)