Trả lại 'chiếc áo' của Ban đại diện cha mẹ học sinh!

10/10/2022 07:45 GMT+7

Câu chuyện lạm thu học đường đến hẹn lại nóng mỗi dịp đầu năm học. Từ đây, lời ta thán về ban đại diện cha mẹ học sinh bắt đầu vang lên.

Ban đại diện cha mẹ học sinh từ bao giờ biến thành “cánh tay nối dài” của nhà trường? Đúng như lời chia sẻ của nhiều bạn đọc trên các diễn đàn giáo dục, “quả bóng” trách nhiệm đang được một bộ phận nhà quản lý cơ sở giáo dục đá hẳn sang cho phụ huynh khi thông qua hội để đề nghị các khoản thu, nhờ hội thống nhất thu và vận động thu.

Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định nhiệm vụ cụ thể trong điều lệ nhưng đáng tiếc hiện nay chủ yếu tập trung vào việc thảo luận các khoản thu chi trong nhà trường, vận động thu và huy động thu

Chính sách xã hội hóa giáo dục đang bị lợi dụng

Chính sách xã hội hóa giáo dục huy động sức dân hỗ trợ cho ngành giáo dục đang bị lợi dụng để một số hiệu trưởng dẫn dắt các mức thu cao ngất ngưởng. Tâm lý cả nể, xuề xòa gật đầu đồng ý cái rụp cho “yên dạ” của một bộ phận phụ huynh trong ban bệ cấp lớp, cấp trường khiến đại đa số cha mẹ oằn mình gánh vô số khoản phụ phí. Một số người hô hào vận động và “vung tay quá trán” làm khổ số đông khiến lời đề nghị bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh lại vang lên mỗi mùa họp phụ huynh đầu năm.

Bỏ hay giữ ban đại diện vẫn là một câu hỏi khó

Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011 quy định rõ ràng nhiệm vụ của ban đại diện, cụ thể: Kiến nghị với hiệu trưởng những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường và về quản lý, giáo dục học sinh. Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của ban đại diện từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện. Phối hợp với hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của ban đại diện. Phối hợp với hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục với cha mẹ học sinh, nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh. Phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh bỏ học trở lại học…

“Chiếc áo” trách nhiệm khoác lên ban đại diện cha mẹ học sinh quá hoàn hảo! Trách nhiệm nào cũng nặng nề và vinh quang. Tuy nhiên, thực tế lại không hề lý tưởng như thế. Sự hiện diện của phụ huynh trong các hoạt động trường lớp bị giới hạn bởi nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Và đáng tiếc vô cùng khi hội phụ huynh đại diện cho tiếng nói mẹ cha bị gói gọn nhiều hơn vào việc thảo luận các khoản thu chi trong nhà trường, vận động thu và huy động thu.

Sẽ chẳng phải là “chuyện bé xé ra to” nếu hội phụ huynh không bị biến thành tấm lá chắn hữu hiệu cho vô số khoản thu bất hợp lý trong nhà trường! Ai đưa trẻ đến trường cũng mong con được học trong môi trường tiện nghi, đủ đầy, an toàn và lành mạnh. Nhưng đâu phải vì vậy mà hội phụ huynh cứ ào ào kêu gọi lót sàn gỗ, ráp máy lạnh, mua máy chiếu…

Đầu năm học là nóng chuyện lạm thu

chụp màn hình

Thẳng thắn nhìn nhận một cách chua chát, ban đại diện cha mẹ học sinh đã và đang bị dư luận gán hàng loạt danh xưng xấu xí, nào là “hội họa sĩ”, “hội phụ thu”, “hội huy động vốn”… Từ đây, các ban ngành liên quan và mỗi chúng ta phải soi chiếu lại quá trình định danh và định hình lại một tổ chức đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của đại đa số phụ huynh tồn tại đã lâu trong nhà trường phổ thông.

Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh nhất thiết phải hiện diện để bắc nhịp cầu gắn kết ba chân kiềng nhà trường – gia đình – xã hội thì hãy trả lại đúng vị thế, trách nhiệm, quyền hạn cho hội phụ huynh. Ngược lại, nếu đó chỉ là một cái vỏ bọc đẹp đẽ và thì nên chăng, chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi hình thức kết nối giữa nhà trường và gia đình?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.