Cồng chiêng gắn với vòng đời của đồng bào dân tộc Tây nguyên. Từ khi sinh ra cho đến khi về với đất, tiếng cồng chiêng luôn ở bên tai. Thế nhưng, không gian cồng chiêng ấy đã ngày bị mai một, thu hẹp cùng nhiều tín ngưỡng dân gian vùng đại ngàn.
Không gian cồng chiêng là văn hóa phi vật thể cần được khôi phục và bảo tồn - Ảnh: Phạm Anh |
Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL, lớp trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số hiện ít quan tâm đến cồng chiêng, xem truyền thống ấy là lạc hậu. Một bộ phận không nhỏ người Ba Na, Ja Rai (Gia Lai), M'Nông (Đắk Nông) còn từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, trong đó có cả việc đánh chiêng cũng như các sinh hoạt văn hóa gắn liền với cồng chiêng. Hệ lụy kéo theo là, số cồng chiêng cũng thất thoát dần. Điển hình như H.Đăk Đoa (Gia Lai) chỉ còn 131 bộ, trong đó có 42 làng không có cồng chiêng; TP.Pleiku chỉ còn 81 bộ và 20 làng không có cồng chiêng...
Mất dần "vật thiêng"
Báo cáo của Sở VH-TT-DL Đắk Lắk tại "Hội nghị sơ kết 10 năm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên" diễn ra ở TP.Kon Tum ngày 19.3, trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây nguyên, cũng cho biết năm 2011 tỉnh này mất 2.000 bộ cồng chiêng so với con số thống kê năm 1993. Nguyên do đồng bào thiểu số trong vùng không còn xem cồng chiêng là của cải, là "vật thiêng", là nhạc khí chủ đạo trong đời sống văn hóa tinh thần nữa. Ấy là chưa kể, lớp nghệ nhân lớn tuổi đã mất đi, kéo theo cách diễn tấu cồng chiêng, chỉnh chiêng các loại chiêng cổ cũng theo về với đất.
Vì sao cồng chiêng lại "chảy máu" thê thảm? Theo lý giải của Sở VH-TT-DL Đắk Nông, một phần do biến đổi trong cơ cấu cây trồng. Điển hình như việc đồng bào ngày trước làm lúa rẫy và từ khi tỉa hạt lúa đến khi lúa nẩy mầm, trổ bông, thu hoạch, cất lúa vào kho, ăn lúa kho cũ... đồng bào đều cúng Yàng. Còn ngày nay, cà phê, điều, tiêu... đã thay lúa rẫy; nước tưới cho các loại cây này lại không phải là "suối của Yàng" nữa, nên các hoạt động lễ cúng gắn với cồng chiêng tự mất đi; các nghi lễ, lễ hội liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp vắng bóng dần. Nói một cách khác, đồng bào đã bị "tách" ra khỏi rừng, vốn là nơi không gian cồng chiêng hoạt động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết nghi lễ truyền thống, văn hóa cồng chiêng liên quan đến nhà rông, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, rừng... ở tỉnh này cũng mất dần trong đời sống cộng đồng. Nhiều vùng đồng bào đã chuyển đổi tín ngưỡng dân gian truyền thống sang tôn giáo, đã bỏ lễ hội, bỏ cồng chiêng, bỏ phong tục tập quán cộng đồng.
Và, cách hành xử của đồng bào với cồng chiêng mình đang sở hữu là bán đi. Cồng chiêng "chảy máu" là vậy.
Tìm lại không gian rừng, làng...
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó văn phòng Bộ VH-TT-DL tại miền Trung, cho rằng không gian cồng chiêng nói riêng và nhạc cụ dân tộc Tây nguyên là văn hóa phi vật thể nhưng thực chất nó nằm trên nền văn hóa vật thể. Đó là rừng, là làng gắn với những lễ hội, tín ngưỡng và cả màu sắc tâm linh của từng dân tộc.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cồng chiêng muốn “sống dậy” không phải là thông qua các buổi trình diễn lớn ở xa làng, xa rừng. Những ai từng thưởng thức cồng chiêng tại các làng sẽ thấy tiếng cồng chiêng cất lên giữa đám đông và đèn màu lung linh lạc lõng thế nào. Còn các nghệ nhân biểu diễn cũng thế, sự sáng tạo và hứng thú giữa hai nơi cũng khác đi. Thế nhưng thực trạng hiện nay là không gian làng mất đi, nhà sàn nhiều nơi không còn, rừng cũng bị tàn phá thê thảm... thì không gian cồng chiêng còn không để khơi dậy, để “sống”?
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum, muốn khôi phục và khơi dậy không gian văn hóa cồng chiêng, trước mắt phải đáp ứng nhu cầu tâm linh, giữ lại tín ngưỡng cộng đồng và chọn lựa, duy trì liên tục hằng năm các lễ hội gắn liền với cồng chiêng. Trong thực tế, ở Kon Tum có nhiều chiêng lễ như chiêng buar của người Xê Đăng, chiêng nỉ của người Triêng… chỉ đánh tại một vài lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng, còn lại đồng bào cất giữ nơi thiêng liêng, ngày thường không ai được thấy, sờ và đánh lên. Hơn nữa, với đồng bào dân tộc thiểu số Tây nguyên, không ai mang chiêng ra đánh chơi, mà mỗi lần đánh chiêng phải gắn liền với lễ hội nào đó, kéo theo đó là tín ngưỡng, là tâm linh gắn với cộng đồng làng, rừng núi xứ ấy.
Theo Cục Di sản văn hóa, qua 10 năm nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, đến nay các tỉnh Tây nguyên phần nào đã ngăn chặn được sự “chảy máu” cồng chiêng. Theo đó, tỉnh Đắk Nông hiện khôi phục 50 lễ hội, thành lập 8 câu lạc bộ cồng chiêng, cấp 150 bộ chiêng cho các huyện. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 2.300 bộ cồng chiêng, với 635 người biết dạy đánh cồng chiêng và có 554 đội cồng chiêng truyền thống. Tỉnh Lâm Đồng mở 45 lớp dạy cồng chiêng cho gần 1.100 học viên là thế hệ trẻ. Tỉnh Kon Tum lưu giữ gần 1.900 bộ cồng chiêng, với 427 đội nghệ nhân cồng chiêng và tỉnh Gia Lai đã lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng, mở 87 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 1.200 học viên.
|
Thổi hồn vào tượng gỗ
Tối 18.3, UBND tỉnh Kon Tum chính thức khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây nguyên gắn với Tuần văn hóa - du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 - 2016 diễn ra từ ngày 18 - 23.3. Tham gia liên hoan có khoảng 2.000 nghệ nhân chuyên và không chuyên của 5 tỉnh Tây nguyên và khách mời các tỉnh thành khác. Tại liên hoan diễn ra hàng loạt hoạt động như: tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc, trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, giao lưu trình diễn cồng chiêng...
Cùng ngày, tại nhà rông Kon Klor, TP.Kon Tum, 36 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã cùng nhau thổi hồn vào từng tượng gỗ. Già làng A Reng, người Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Ray, H.Sa Thầy (Kon Tum) cho biết trong 25 nghệ nhân được cử đi tham gia liên hoan văn hóa dân gian thì có 5 nghệ nhân trẻ được phân công đẽo tượng gỗ. "Người Rơ Măm mình tạc tượng gỗ chỉ để ở nhà mồ. Người chết sau 2 năm thì làm lễ bỏ mả, rồi mới dựng tượng gỗ. Đã làm tượng thì phải đúng theo tâm nguyện của người còn sống nên không phải dễ gì", A Reng nói.
|
Bình luận (0)