Trả lại màu xanh cho những dòng sông

25/10/2024 09:00 GMT+7

Gần 2 năm qua, có một chàng trai quê Hải Dương nhưng lại dành hết tình cảm cho thủ đô Hà Nội; và bằng một cách hết sức... độc lạ, đó là lội sông vớt rác, trả lại màu xanh vốn có cho những dòng sông.

Không phải tự nhiên ô nhiễm

Cái nhìn đầu tiên của tôi với Nguyễn Tiến Huy, sinh năm 1995, chủ nhiệm nhóm Hà Nội Xanh là cái nhìn ngưỡng mộ, cảm phục. Trông Huy bảnh bao chẳng khác nào những chàng trai Hà thành khác nhưng khi thấy những bức hình Huy trong bộ đồ bảo hộ lội dưới sông vớt rác, anh lại cho tôi cái nhìn về khát khao tuổi trẻ và sự bản lĩnh.

Trả lại màu xanh cho những dòng sông- Ảnh 1.

Nhóm Hà Nội xanh dọn rác trên con kênh chảy qua xã Dương Quang, huyện Gia Lâm

ẢNH: TGCC

Huy kể, anh sinh ra ở một ngôi làng thuần nông thuộc xã Tân Phong (huyện Ninh Giang, Hải Dương). Hồi nhỏ, Huy cũng từng đi chăn trâu cắt cỏ, tắm mát trên những dòng sông quê, tuổi thơ của Huy cứ hồn nhiên và trong trẻo như thế.

Năm 2013 Huy lần đầu tiên đặt chân lên Hà Nội để theo học. Thấy phố phường tấp nập, nhộn nhịp Huy, cảm thấy rất thích thú. Huy thuê trọ cùng một người bạn ở khu vực đường Kim Giang (quận Hoàng Mai) ven sông Tô Lịch. Cứ đến buổi chiều khi mọi người ở khu trọ về phòng, họ lại đóng cửa kín mít, không phải vì không thích giao tiếp với nhau mà vì mùi thối từ nước sông Tô Lịch bốc lên vô cùng khó chịu.

Tò mò, Huy đi khảo sát xung quanh và nhận ra rằng, một số công viên ven sông Tô Lịch cũng rất ít người vào vui chơi hoặc họ luôn đeo khẩu trang để tránh mùi. "Tôi có hỏi cô chủ nhà trọ thì cô nói rằng, hồi cô còn bé, sông Tô Lịch cũng trong xanh như các con sông ở quê. Khoảng hai chục năm nay do người dân xả nước thải, rác xuống sông nên mới ô nhiễm thế này, chứ không phải tự nhiên sông chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối", Huy cho biết.

Là một người môi trường, Huy nghĩ rằng nguyên nhân ô nhiễm do con người gây ra thì chính con người phải trả lại sự trong xanh cho dòng sông. Huy gọi điện vận động bạn bè khoảng 10 người để nói về kế hoạch tổ chức nhóm đi dọn rác nhưng chỉ có 1-2 người ủng hộ. Song, ý đã quyết, Huy lên mạng tìm hiểu về đồ bảo hộ lội nước, dụng cụ vớt rác và thành lập nhóm Hà Nội Xanh, lúc đó nhóm chỉ có một mình Huy.

Sau đó, Huy đã vận động được 2 người em tham gia và triển khai buổi đi vớt rác đầu tiên. "Tôi còn nhớ mãi bước chân đầu tiên khi lội xuống nước, lúc đó trời cũng khá rét nhưng sợ nhất là mùi rác xộc thẳng vào mũi làm cay mũi rất khó chịu, cho dù tôi đã đeo tới 2 khẩu trang. Sau 3 tiếng vớt rác, chúng tôi đưa lên bờ được khoảng 100 kg rác, cảm giác rất hạnh phúc", Huy nói.

Tuy nhiên, đêm đó cũng là đêm mà cả 2 trên 3 thành viên đã bị sốt nhẹ, hai bàn tay ngứa ngáy và bắt đầu nổi mụn nước như bị ghẻ. Trong lần vớt rác thứ 4, Huy thậm chí còn bị một chiếc kim tiêm đâm vào đùi. Khi lên bờ chiếc kim tiêm vẫn cắm vào đùi, các đồng đội đã đưa Huy đến bệnh viện ngay lập tức. "Bác sĩ đã vệ sinh vết thương và tiêm phòng uốn ván cho tôi cũng như theo dõi tình hình những ngày sau đó. Tôi quyết định phải tiêm phòng uốn ván cho tất cả các tình nguyện viên gia nhập nhóm, đặt sự an toàn của các bạn lên hàng đầu", Huy cho biết.

Trả lại màu xanh cho những dòng sông- Ảnh 2.

Hà Nội Xanh đặt phao chắn rác trên dòng kênh chảy qua phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Huy ở giữa)

"Người vớt, người vứt, các cháu vớt đến bao giờ?"

Sau nhiều lần ra quân và vớt được hàng trăm kg rác thải trên các con sông, tinh thần của nhóm tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên, vào một hôm vớt rác khi trời đang mưa, cả nhóm bỗng thấy một người đàn ông mang hai bịch rác đến vứt thẳng xuống sông ngay chỗ nhóm vừa dọn sạch. Mọi thành viên nhóm như chết lặng vì ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người còn quá thấp. Và, còn đó những lời mỉa mai nhóm làm công việc bao đồng, làm màu làm mè...

Có lần, trên đoạn kênh Linh Đàm, khi Nhóm đang lội vớt rác, một cô đứng trên bờ thở dài nói: "Hôm nay các cháu vớt rác ngày mai họ lại vứt rác xuống, các cháu vớt mãi được không?". Câu nói đó như vạch ra một sự thật rằng, vớt rác là việc tốt nhưng mới giải quyết được phần ngọn, phải tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi, phân loại rác đầu nguồn mới là giải pháp gốc rễ, căn cơ.

Vậy là, "đã làm màu thì làm màu cho trót", những lần vớt rác sau, Huy đã quay lại video và đăng tải lên các kênh mạng xã hội. Không ngờ rằng, tinh thần yêu môi trường trong giới trẻ rất lớn, không như nhiều người vẫn nghĩ. Những video thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng, số lượng người gửi đơn gia nhập nhóm tăng chóng mặt đến nỗi Huy phải giới hạn số thành viên là 400.

Trả lại màu xanh cho những dòng sông- Ảnh 3.

Huy (ngồi giữa quần xám) đã cùng Hà Nội Xanh ra quân dọn rác khoảng 200 lần

ẢNH: TGCC

Do khối lượng công việc nhiều cũng như số thành viên đông, Huy đã xin nghỉ công việc marketing ở công ty để dồn mọi tâm huyết vào công việc chẳng đem lại một đồng thu nhập nào. Ngày mới thành lập nhóm, Huy nghĩ rằng sẽ làm một thời gian rồi nghỉ và còn phải dành thời gian cho sự nghiệp, gia đình riêng, đến giờ thì mọi chuyện đi ngược lại với kế hoạch ban đầu của Huy.

Kinh phí để mua đồ bảo hộ, tiêm phòng uốn ván đều đến từ tiền riêng của Huy, các thành viên gia nhập nhóm không phải đóng khoản tiền nào cả ngoài tinh thần tình nguyện và quyết tâm trả lại màu trong xanh cho những dòng sông, kênh ở thủ đô. Đã có một vài doanh nghiệp đề xuất tài trợ cho nhóm đi kèm yêu cầu truyền thông thương mại nhưng Huy đã từ chối vì dễ làm mất mục tiêu vì cộng đồng. Đến nay, hơn trăm con kênh như Linh Đàm, kênh La Khê, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích… đã phần nào được trả lại màu xanh trong vốn có và chắc chắn đã xuất hiện những đàn cá trở lại.

Bạn Hoàng Thị Thu Hằng, thành viên nhóm chia sẻ: "Tôi biết đến Hà Nội Xanh thông qua mạng xã hội và tôi đã tham gia với mong muốn góp sức trẻ để Hà Nội được xanh hơn. Lần đầu tiên bốc rác mùi rác xộc lên tôi suýt nôn, định bỏ cuộc ngay, song nhìn thấy các bạn khác vui vẻ dọn rác tôi dặn lòng phải cố gắng lên, không dễ dàng đầu hàng như vậy được".

Lan tỏa xanh trong ý thức

Sau gần 2 năm hoạt động, nhóm Hà Nội Xanh đã ra quân khoảng gần 200 lần, số lượng rác vớt lên từ các dòng sông nhiều không thống kê nổi. "Sau khi vớt rác tại một địa điểm, chúng tôi đều cắm biển tuyên truyền về sống xanh, đặt thùng phân loại rác. Khoảng 10-15 ngày sau chúng tôi sẽ đi khảo sát lại, kết quả cho thấy 8/10 địa điểm không phát sinh rác trở lại, đó là điều thành công nhất", Huy tâm sự.

Ngoài ra, những lần ra quân hiện nay Hà Nội Xanh đã nhận được sự ủng hộ của những người dân sống quanh khu vực. Họ mang nước, hoa quả ra tiếp sức cho nhóm, có người còn xắn tay vào cùng dọn với nhóm trong không khí phấn khởi, đoàn kết. "Giờ nếu dọn ở khu vực nào chúng tôi sẽ liên hệ với tổ dân phố và Đoàn thanh niên để phối hợp tuyên truyền cho người dân. Hà Nội Xanh giờ đi đến đâu xanh đến đó, chúng tôi rất hạnh phúc".

Hiện tại, Hà Nội Xanh đang kết hợp với một công ty Nhật để xử lý rác thay vì đốt rác, chôn rác truyền thống. Rác sẽ được biến thành tro phân bón, kim loại được lọc ra và tái chế. Hà Nội Xanh cũng muốn nhận thêm sự giúp đỡ từ các đơn vị xử lý rác bởi lượng rác mang lên rất lớn, các bạn đẩy bằng xe tay đi quãng đường xa rất vất vả. "Chúng ta được sinh ra trong một mảnh đất màu mỡ thì hãy chung tay bảo vệ môi trường để sau này con cái chúng ta sinh ra không phải sống trên rác thải", câu nói Huy tâm đắc.

Trả lại màu xanh cho những dòng sông- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.