Trạc Anh không phải bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy là của ai?

27/10/2024 06:30 GMT+7

Nhiều cơ quan báo chí và các nhà nghiên cứu đã ngộ nhận khi cho rằng Trạc Anh là bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bài báo đầu tiên in trên tờ L’Annam (xuất bản bằng Pháp ngữ) ở Sài Gòn năm 1927.

TỪ MỘT NGỘ NHẬN

Năm 2015, bà Lady Borton, người Mỹ, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, công bố đã tìm ra bài báo tiếng Pháp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm ông 16 tuổi. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu, bà Lady Borton đã tìm thấy tại một thư viện ở Seattle (Mỹ) bản microfilm về bài xã luận có tên Hue - Quel singilier régime dans un Collège? (Huế: chế độ thật quái lạ ở một trường trung học?) đăng trên báo L’Annam ra ngày 24.3.1927, bút danh là "Trắc Ảnh" (?).

Trạc Anh không phải bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy là của ai?- Ảnh 1.
Trạc Anh không phải bút danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy là của ai?- Ảnh 2.

Nhà báo Phan Thanh, bút danh Trạc Anh (1908 - 1939) và bài xã luận Hue - Quel singilier régime dans un Collège? đăng báo L’Annam ngày 24.3.1927 của ông

Ảnh: Nguyễn Bá Khoản - KMS chụp lại

Theo bà Lady Borton, microfilm này ở Thư viện Quốc gia Hà Nội cũng có, nhưng ít ai để ý. Vả lại không dễ tìm được bài báo vì bài không ký tên thật, tên bài cũng do tòa soạn đổi khác. Bà Lady Borton cũng khẳng định: Cậu học sinh Võ Nguyên Giáp viết bài này khi học năm thứ hai Trường Quốc học Huế, năm 1927. Phát hiện của bà ngay lập tức được nhiều cơ quan báo chí đăng tải lại.

Trên Tạp chí Sông Hương (Huế) năm 2021, tác giả Dương Phước Thu cung cấp thêm thông tin: Đầu năm 2015, bà Lady Borton đã tìm và tặng đại tá, tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một người con làng Nguyệt Biều của xứ Huế, đang ở Hà Nội, một tờ báo phô tô bài viết có nhan đề Huế, chế độ lạ kỳ gì thế trong một trường Quốc học bằng tiếng Pháp. Người viết ký tên "Trác Anh" (?).

Tạp chí Sông Hương dẫn thêm: "Chị Lady nói: "Đây là một bài viết đăng trên báo L’Annam, tiếng Pháp - cơ quan tuyên truyền dân chủ - ra ngày 24.3.1927. (…) Chị Lady cho biết chị sưu tầm được tài liệu này từ kho lưu trữ của Trường đại học Washington (Mỹ), ký hiệu A.117.21… Chị nói: "Trác Anh là bút danh của Võ Nguyên Giáp, viết lúc 16 tuổi. Ông Khoan đọc đi sẽ hiểu".

Bài viết này đã được đưa vào sách Với Huế gừng cay muối mặn (Trần Phương Trà chủ biên; NXB Hội Nhà văn (2016), do Lưu Văn Thắng sưu tầm và giới thiệu).

Qua các thông tin nêu trên, tôi khẳng định đây không phải bài viết của Võ Nguyên Giáp. Vì sao vậy? Lý do đơn giản, bài viết của Võ Nguyên Giáp không được đăng báo. Thông tin này được PGS Nguyễn Thành (1928 - 2007), một nhà nghiên cứu báo chí nổi tiếng, đã viết rõ trong cuốn Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Lý luận Chính trị (2005).

Ngay những trang đầu trước khi đi vào chương 1 của cuốn sách, trong phần giới thiệu tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả Nguyễn Thành viết cụ thể về cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế năm 1927: "Võ Nguyên Giáp là một trong những người tổ chức bãi khóa. Sau đó bị giám hiệu nhà trường đuổi học cùng với một số bạn cùng lớp và khác lớp ngay tháng 4.1927, khi chưa kết thúc năm thứ hai trung học.

Khi cuộc bãi khóa bùng lên, những người tổ chức bãi khóa nghĩ đến việc phải đưa tin, viết bài đăng báo cho dư luận đông đảo biết, cổ vũ và ủng hộ đấu tranh. Khi đó, tờ báo L’Annam xuất bản bằng chữ Pháp ở Sài Gòn là tờ báo tiến bộ nhất, theo xu hướng chủ nghĩa cộng sản. (…) Nhiều học sinh các trường trung học và sinh viên đại học rất thích đọc báo L’Annam.

L’Annam số 155, ngày 21.4.1927 bắt đầu đưa tin đều đặn về cuộc bãi khóa của Trường Quốc học Huế cho đến khi kết thúc. Võ Nguyên Giáp được anh em ủy nhiệm viết bài gửi đăng trên báo L’Annam về cuộc đấu tranh, nhan đề À bas la tyranneau du Collège Quốc học! (Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học!).

Đây là lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp viết bài gửi đăng báo, nhưng bài không được đăng. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được bản thảo bài này. Theo tác giả cho biết, đây là bài được viết với tất cả tâm huyết, rất công phu, thật đáng tiếc!".

Như vậy, bài xã luận có tên Hue - Quel singilier régime dans un Collège? được đăng trên báo L’Annam ra ngày 24.3.1927 chắc chắn không phải của Võ Nguyên Giáp.

Trạc Anh LÀ AI ?

Vậy ai là tác giả bài xã luận Hue - Quel singilier régime dans un Collège? ký tên Trac Anh, đăng trên báo L’Annam ra ngày 24.3.1927?

Người đó là Trạc Anh, chứ không phải Trắc Ảnh hay Trác Anh. Và Trạc Anh là bút danh của Phan Thanh (1908 - 1939), một nhà báo, nhà hoạt động xã hội nổi danh cuối thập niên 1930, nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ.

Phan Thanh chọn bút danh Trạc Anh với ý nghĩa như thế nào? Tôi được ông Đống Hoài Nam chia sẻ cuốn hồi ký của Phan Nhụy (1896 - 1983), người anh trai thứ hai của Phan Thanh. Theo cụ Phan Nhụy, "Phan Thanh với ký hiệu Trạc Anh đã viết nhiều bài báo phản ánh chế độ hà khắc của thực dân gửi cho báo tiếng Pháp La cloche Félee do ông Nguyễn An Ninh phụ trách".

Trên báo L’Annam ngày 12.5.1927, Trạc Anh còn có bài Entretien avaec un Francais nouvellement débarqué (Nói chuyện với một người Pháp vừa cập bến)… Phan Thanh là một cây bút viết báo chữ Pháp trên nhiều tờ báo từ tuổi 18. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) trong sách Văn thi sĩ tiền chiến nhận xét về ngòi bút Phan Thanh: "Phan Thanh viết Việt văn và Pháp văn đều được cả… Anh nói năng hoạt bát và tuy không hùng hồn như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm nhưng anh có lối viết và nói thanh thoát, nhẹ nhàng, rất quyến rũ người nghe…".

Bút danh Trạc Anh là cách chơi chữ, ghép chữ từ tên của Phan Thanh mà ra. Ông Phan Vịnh (1932 - 2023), con trai cả của Phan Thanh, sinh thời chia sẻ thông tin chi tiết hơn từ lời kể của cụ Phan Nhụy: Có lần Phan Thanh gửi thư về có nói: "Sách xưa có câu rằng, giặt giải mão, nước đục ấy để rửa chân. Trạc Anh tức là Thanh".

Sách xưa là sách nào? Một vài người bạn của tôi vốn am tường Hán Nôm đã chỉ dẫn: Trong thiên Ly Lâu thượng, sách Mạnh Tử dẫn câu "Hữu nhụ tử ca viết: Thương lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh; Thương lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc (nghĩa là: Có kẻ nhụ tử [đứa trẻ] hát rằng: Nước sông Thương lang trong vậy, khá đem giặt mũ ta; nước sông Thương lang đục vậy, khá đem rửa chân ta).

Khổng Tử viết: Tiểu tử thính chi, thanh tư trạc anh, trọc tư trạc túc hĩ, tự thủ chi dã (nghĩa là: Thầy Khổng Tử nghe câu hát ấy nói rằng: Kẻ tiểu tử nghe lấy đấy: Trong thì dùng để giặt dải mũ, đục thì dùng để rửa chân, là do cái nước sông Thương lang tự thủ đó vậy).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.